Thursday, January 11, 2007

Việt Nam thiếu gì? Lý thuyết dân chủ hay văn hóa thực hành dân chủ?

DuyAnh và tqvn2004 hợp tác sản xuất tại X-cafevn.org

_________________________________

Thành viên Marx-Popper viết:

Tuy nhiên, với một cái nhìn rất chủ quan và có phần phiến diện của mình (do tôi không có được điều kiện tiếp xúc và trao đổi trực tiếp với đủ mọi thành phần kiều bào Việt Nam ở hải ngoại) tôi cho rằng sự hiểu biết của kiều bào còn khá nhiều hạn chế.

Khi đưa ra nhận định trên, tôi không dựa trên cơ sở đánh giá và so sánh giữa người Việt Nam ở trong nước và ở ngoài nước mà đánh giá dựa trên cơ sở những thành viên xuất hiện trên x-cafe, trên các diễn đàn có đông đảo kiều bào mà tôi được tham gia, những bài viết trên BBC, talawas, Đàn Chim Việt...

Thứ nhất, ngay tại trên x-cafe này những kiến thức cũng như sự hiểu biết về dân chủ và chính trị của các thành viên ở trong nước tôi nghĩ rằng không thua kém gì các thành viên ở nước ngoài, thậm chí còn vượt trội hơn nếu như họ chịu khó tìm hiểu.

Những kiến thức mà các thành viên ở nước ngoài mang vào cuộc tranh luận thường là những kinh nghiệm thực tế của bản thân hơn là sự hiểu biết sâu sắc về các nguyên lý của dân chủ. Lẽ dĩ nhiên đánh giá này khá chủ quan bởi vì trong x-cafe tôi là một trong những người hiếm hoi tìm hiểu những nguyên lý về dân chủ.

Thứ hai, trên các cơ quan truyền thông đại chúng khác như BBC, talawas, Đàn Chim Việt thì những tên tuổi xuất hiện với những bài viết chứng tỏ hiểu biết sâu sắc về chính trị cũng như dân chủ đa phần xuất phát từ trong nước hoặc những du học sinh ở nước ngoài hơn là từ kiều bào ở nước ngoài. Tôi cũng có đọc một số tờ báo của kiều bào ở Mỹ trên mạng thì phần bình luận chính trị của nó ví dụ như của Ngô Nhân Dụng cũng không vượt trội hơn so với những bài bình luận của những người trong nước viết về chính trị là bao nhiêu.

Thứ ba, tôi cố công trao đổi và tìm hiểu về dân chủ với những người trong và ngoài nước mà tôi từng quen biết thì nhận thấy rằng những người hiểu biết tốt về triết học, chính trị và dân chủ phần lớn là các nghiên cứu sinh đang du học ở nước ngoài. Đánh giá này hiện nay rất chủ quan bởi vì môi trường mà tôi tiếp xúc rất hạn hẹp. Có thể có rất nhiều kiều bào có được sự hiểu biết rất sâu sắc và nền tảng về dân chủ cũng như các vấn đề chính trị nhưng họ im lặng và không lên tiếng.

Tóm lại, với sự cảm nhận và đánh giá rất chủ quan (có thể có phần phiến diện mặc dù tôi cố tránh điều đó) thì những trào lưu về tư tưởng dân chủ lại xuất phát từ chính trí thức trong nước hơn là kiều bào. Có thể những tư tưởng đó rất bình thường, không có gì mới mẻ đối với kiều bào nên họ biết mà không muốn nói. Cũng có thể họ không có thời gian để tìm hiểu và cũng không có nhu cầu để tìm hiểu.

Đưa ra topic này tôi không muốn tranh cãi xem ai giỏi hơn ai mà chỉ đơn thuần là cố gắng tìm cách lý giải mọi việc. Những nhận định trên rất có thể là những đánh giá sai lầm nhưng tôi vẫn nghĩ rằng cần phải nói ra điều này.


_________________________________

Xin chào bạn Marx-Popper,

Những điều bạn nêu ở trên rất đáng suy ngẫm! Tuy phần nào đồng tình với những nhận định trên, tôi vẫn muốn trao đổi với bạn những suy nghĩ của mình. Tôi cũng muốn nhấn mạnh cái ý không phải là chúng ta tranh luận để xem ai giỏi hơn ai, điều này hoàn toàn không cần thiết, mà để cố gắng lý giải sự việc.

Thứ nhất, tôi muốn nói về nhu cầu. Các bạn trí thức trong nước và các du học sinh có nhu cầu tìm hiểu về dân chủ nên cố gắng học hỏi, tìm tòi sách vở để nghiên cứu thêm về các khái niệm dân chủ đúng đắn nên kiến thức có phần phong phú hơn. Tuy nhiên phần lớn chỉ là kiến thức lý thuyết thuần tuý. Đây tôi chỉ nói thành phần cất công tìm hiểu thôi, còn đại đa số người dân trong nước thì vẫn hoàn toàn mù mờ với những khái niệm này, đơn giản là vì họ không biết đến những khái niệm này, và nếu có thì cũng không tin rằng những khái niệm này sẽ tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình mình.

Thứ hai, tôi muốn nói về sự chuyên môn hóa thường thấy ở các quốc gia phát triển. Vâng, lĩnh vực chính trị cũng có sự chuyên môn hóa giống như tất cả các lĩnh vực khác, bạn ạ! Chúng ta có thể tạm chia một xã hội bất kỳ thành hai nhóm người: Nhóm thứ nhất là những chính trị gia, triết gia, luật sư hay đơn giản là những người có hứng thú với bộ môn này. Những người này "ăn chính trị, ngủ chính trị", công việc của họ xoay quanh chính trị. Họ là những người đọc rất nhiều sách vở, được đào tạo bài bản qua những lớp đào tạo chính quy và do đó, kiến thức chính trị của họ thì thật hết chỗ chê! Diễn đàn X-cafe của chúng ta có lẽ chưa được hân hạnh đón tiếp một thành viên như vậy.

Nhóm thứ hai là những người "bình thường" như bạn và tôi, những người có lẽ cả đời không đụng tới một cuốn sách phê phán Marx, và cũng chẳng biết tới Jonh Stuart Mill hay Jean Jacques Rousseau là ai... Đối với nhóm thứ hai, lý thuyết tự do - dân chủ có thể là cái gì đó xa vời, tuy nhiên chúng ta không thể kết luận rằng họ không hiểu biết gì về dân chủ. Hàng ngày, kiều bào Việt Nam được sống, được hít thở không khí tự do - dân chủ ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, và có thể nói họ được "thực hành" khái niệm dân chủ trong cuộc sống nên trong tiềm thức đã sẵn có những tư tưởng dân chủ và họ hành động theo tinh thần dân chủ, nhiều khi một cách vô thức.

Khi đã phân chia hai nhóm như vậy, tôi có thể mạnh dạn kết luận rằng bạn đang so sánh "cam với táo"": Bạn lấy nhóm thứ nhất của xã hội trong nước để so với nhóm thứ hai của kiều bào. Bạn lấy những người được coi là tinh hoa của xã hội trong nước (sinh viên du học, những nhà nghiên cứu chính trị...) để so sánh với toàn thể kiều bào ở nước ngoài, đó là một cách so sánh không công bằng. Nếu dùng cách so sánh tương tự, tôi tin rằng bạn cũng có thể kết luận người Việt hiểu rõ về dân chủ hơn là người Mỹ. Nếu hỏi một người Mỹ về định nghĩa tự do - dân chủ, anh / chị ta có thể ấp úng, nhưng nếu bạn hỏi về cách hành xử của anh / chị ta trong một xã hội tự do - dân chủ, bạn sẽ ngạc nhiên đấy!

Tôi xin kể cho bạn nghe câu chuyện thật trong gia đình tôi. Tôi có một cô con gái đang học năm thứ ba đại học. Trưởng thành ở bên Mỹ nên sự suy nghĩ của cháu hoàn toàn độc lập đối với tôi. Hai bố con nhiều khi tranh cãi nẩy lửa về chính trị và những vấn đề xã hội nói chung. Tôi thì tham gia hoạt động đảng Cộng Hòa, còn cháu thì theo phe Dân Chủ.

Một điều tôi nhận xét là ở bên Mỹ không có chuyện sùng bái cá nhân. Tổng thống làm không hợp ý là dân có quyền phản đối kịch liệt. Cháu luôn luôn tham dự các cuộc biểu tình chống chiến tranh Iraq mỗi khi có dịp.

Trong lớp học cũng vậy, học sinh sinh viên được huấn luyện từ nhỏ tinh thần chỉ trích và tự do ngôn luận. Những ai đã từng học trường lớp tại Mỹ hẳn nhiên biết câu nói thường xuyên của thầy cô là: "Không có câu hỏi nào dốt hết mà chỉ có những câu trả lời ngu xuẩn". Ý là khuyến khích các học sinh phát biểu lên những thắc mắc của mình. Thầy cô không trả lời được, thường hẹn lại hôm sau để về nghiên cứu thêm.

Chuyện mới xảy ra tuần trước là cháu hiện có đi làm thêm tại một tiệm bán mỹ phẩm trong một khu thương xá cũng tương đối an ninh và tốt. Hàng đêm vào khoảng 10 tối, cháu có nhiệm vụ đi bỏ rác vào thùng rác chung của thương xá. Cách đây ba hôm, một đêm cháu cùng với một cô bạn đi bỏ rác, đi qua cái quán rượu cùng dãy thì bị một tên say rượu trong quán đi ra cửa sau, tự dưng tạt bia vào hai cô rồi chạy vào trong quán.

Cô bạn thì khuyên bỏ qua đi nhưng cháu nhất định không chịu vì cảm thấy bị "vi phạm nhân quyền". Cháu gọi 911 và 5 phút sau 2 xe cảnh sát tới. Hai cô trình bày sự việc. Cảnh sát hỏi có nhận dạng được thủ phạm hay không? Cháu nói chắc chắn sẽ nhận dạng được.

Cảnh sát lập tức làm việc với chủ quán và đưa hai cô vào trong quán rượu. Cháu kể lại là thấy "cái thằng say rượu" còn đang giả bộ nhảy với bạn gái. Cháu chỉ điểm cho cảnh sát. Cảnh sát hỏi cháu có muốn "press charges" (khiếu nại, truy tố) hay không? Nếu press charges, có khả năng tay đó phải đền tiền và bị tù vì tội "assault" (tấn công).

Cháu trả lời tay đó đã "ruin" (lảm hỏng) một ngày của cháu nên chỉ muốn cảnh sát đe dọa và tống cổ "nó" ra khỏi quán rượu và "ruin" lại ngày vui của nó. Ngoài ra cháu, và những người khác, không muốn mỗi lần đi qua quán rượu phải bị hãi sợ vì những thành phần như vậy.

Hôm sau. cảnh sát đến báo cáo lại với cháu là tối hôm đó, họ còng tay tên say rượu và thẩm vấn tại chỗ. Ban đầu hắn chối và cảnh sát đưa ra hai điều kiện: một là bị nhốt tại bót tối hôm đó, hai là nhận tội và bị "kick" ra khỏi quán rượu, phải kêu taxi về nhà ngay, không được lái xe. Cuối cùng hắn đã nhận tội.

Câu chuyện này tôi hi vọng đã chứng minh là con gái của tôi không cần thiết phải biết "thế nào là dân chủ, nhân quyền" trên lý thuyết mà chỉ hành động theo những sự suy nghĩ mà cháu cảm thấy đúng nhất:

- Không ai có quyền xâm phạm đến quyền tự do cá nhân của một người khác.

- Mọi công dân đều có quyền được bảo vệ về các nhân quyền của mình.

- Cảnh sát có nhiệm vụ thi hành pháp luật và bảo vệ quyền tự do của người dân.

Ngẫm cho cùng, những khái niệm về tự do - dân chủ - nhân quyền chẳng qua cũng phù hợp với những gì hợp lý nhất trong sự giao tiếp, tương tác giữa các cá nhân và bộ phận trong một xã hội. Xã hội Việt Nam chưa chắc đã thiếu những lý thuyết về dân chủ, có chăng, chúng ta đang thiếu văn hóa thực hành dân chủ mà thôi! Nếu người Việt Nam ai cũng dũng cảm đấu tranh trước cái xấu, trước những bất công của xã hội, tôi tin rằng xã hội tự nó sẽ trở nên tự do và dân chủ!