Friday, January 12, 2007

Muốn dân chủ cần thay đổi cả xác lẫn hồn!

Lão Làng, X-cafevn.org

Như tác giả J. Sài Gòn đã phân tích, tư duy dân chủ đã bị làm cho mờ nhạt trong chế độ Cộng Sản, một xã hội phong kiến trá hình. Nhưng nguồn cơn của tư duy "tuân phục" lại xuất phát từ nền Văn hóa lâu đời của dân tộc.

Nho giáo phong kiến

Đã nói đến chế độ phong kiến thì ta lập tức liên tưởng đến cái ý thức hệ chi phối xã hội đó là hệ tư tưởng Nho Giáo hay còn gọi là Khổng Giáo, một hệ tư tưởng áp đặt nặng nề những thành kiến xã hội lên từng cá nhân với những nguyên tắc đạo đức nổi tiếng được ghi trong Ngũ Kinh của "Vạn thế sư biểu" Khổng Phu Tử, được coi là Thánh ngôn trong thời đó như:

- Quân, sư, phụ

- Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

- Tam thập nhi lập (三十而立)

- Tứ thập nhi bất hoặc (四十不惑)

- Ngũ thập nhi tri thiên mệnh (五十而知天命)

- Lục thập nhi nhĩ thuận (六十而耳順)

- Thất thập nhi tòng tâm dục bất du củ (七十而從心欲,不踰矩)

(Luận Ngữ)

Và sau này tư tưởng Nho gia của Khổng Tử được các học trò cũng rất nổi tiếng của ông như Tăng Tử , Mạnh Tử... phát triển thêm trong các bộ sách gọi là Tứ Thư.

Đó là một học thuyết chính trị nhằm tổ chức xã hội. Để tổ chức xã hội phong kiến ở buổi còn hoang sơ có hiệu quả, điều quan trọng nhất là phải đào tạo cho được người cai trị kiểu mẫu - người lý tưởng này gọi là quân tử (quân = kẻ làm vua, quân tử = chỉ tầng lớp trên trong xã hội, phân biệt với "tiểu nhân", những người thấp kém về điạ vị xã hội; sau "quân tử" còn chỉ cả phẩm chất đạo đức: những người cao thượng, phẩm chất tốt đẹp, phân biệt với "tiểu nhân" là những người thiếu đạo đức hoặc đạo đức chưa hoàn thiện. Điều này có thể được lí giải bởi đối tượng mà Nho giáo hướng đến trước tiên là những người cầm quyền) đặc biệt được phát triển trong thời Hán nhằm đề cao quyền lực của giai cấp thống trị. Thiên Tử là con trời, dùng "lễ trị" để che đậy "pháp trị".

Con người trong xã hội khi đó trước tiên phải biết "tu thân" sau là "hành đạo" theo những chuẩn mực đạo đức khắt khe của Đạo Khổng như Tam Cương, Ngũ Thường, Tứ Đức, Tam Tòng...tất cả chỉ nhằm phục vụ cho mục đích cai trị của chế độ.

Tính "phi dân chủ" và hệ quả của nó còn thể hiện sâu sắc ở tư tưởng "bá quyền", coi khinh các dân tộc khác, coi mình là trung tâm còn "tứ di" xung quanh đều là "bỉ lậu" cả. Khổng Tử nói: "Các nước Di, Địch, dù có vua nhưng cũng không bằng Hoa Hạ (Trung Hoa) không có vua" (sách Luận ngữ). Tính phi dân chủ còn được thể hiện ở chỗ coi thường người dân, đặc biệt là phụ nữ. Khổng Tử gọi dân thường là "tiểu nhân", đối lập với người "quân tử". Còn đối với phụ nữ, ông nói: "Chỉ hạng đàn bà và tiểu nhân là khó dạy. Gần thì họ nhờn, xa thì họ oán" (sách Luận ngữ).

Tính "nguyên tắc" được thể hiện ở học thuyết "chính danh". Tất cả phải có tôn ti, tất cả phải làm việc theo đúng bổn phận của mình. Hạn chế vai trò của văn hóa sao cho có lợi cho chế độ phong kiến. Quan hệ nam nữ bị giới hạn một cách quá đáng: "nam nữ thụ thụ bất thân". Đề cao nam, hạ thấp nữ: "nam tôn, nữ ti", "dương thiện, âm ác".

Ở Việt Nam

Ở nước Việt Nam nông nghiệp, thời phong kiến Nho Giáo được thâm nhập theo con đường bành trướng, cát cứ của Trung Quốc. Xã hội phong kiến Việt Nam thụ động chấp nhận hệ tư tưởng Nho giáo Trung Hoa còn tầng lớp bình dân lại có những thay đổi và kết hợp hài hòa với bản sắc văn hóa bản địa. Vương quyền ở nước Nam đóng một vai trò quan trọng, trong khi văn hóa Trung Quốc đề cao gia đình hơn dòng họ thì văn hóa Việt Nam lại đề cao dòng họ hơn gia đình. Mỗi dòng họ có một trưởng họ, nhà thờ họ và những ngày giỗ họ. Bởi vì vương quyền đóng vai trò quan trọng trong xã hội nên có một hệ thống quan hệ thứ bậc rất phức tạp. Trong xã hội Việt Nam, có chín kiểu quan hệ họ hàng gần xa riêng biệt (cửu tộc). Đến nay vẫn thấy ở nhiều nơi có ba, bốn thế hệ sống trong cùng một mái nhà.

Các chế độ cai trị phong kiến mặc dầu phát triển trên nền tảng của đạo Khổng nhưng chỉ chú trọng vào những tư tưởng và nguyên tắc có lợi cho sự cai trị của mình và thường coi nhẹ hoặc gạt bỏ những giáo lý nhân sinh vốn hướng đến sự chăm lo cho người dân, đặc biệt khi nhân giống và phát triển ở môi trường văn hóa làng xã ở Việt nam thì Nho giáo càng bị lạm dụng, tư duy "dân là chủ của thần" ít khi được nhắc đến.

Lời kết

Tác giả J. Sài Gòn trong bài viết đã nói lên khá đầy đủ về tính "phi dân chủ" trong chế độ ĐCS cai trị và việc tiến tới xóa bỏ chế độ này là việc làm hoàn toàn đúng đắn như ta gỡ bỏ cái xác, tuy nhiên còn một việc vô cùng quan trọng khác trên con đường Dân chủ còn dài đằng đẵng đó là cần thay đổi tư duy dân tộc là đổi mới cái hồn.

Muốn thay đổi tư duy dân tộc không thể chỉ là dùng những bài viết, những lời tuyên truyền suông mà phải thực sự thay đổi ngay trong từng gia đình, từng mái nhà. Những tư duy lạc hậu mang âm hưởng phong kiến như: "Con cãi cha mẹ trăm đường con hư", "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", "Trọng nam, khinh nữ", "Tôn trưởng, khinh thứ", "Thuyền theo lái, gái theo chồng", "Sống lâu lên lão làng", v.v... cần được dần loại bỏ hoặc thay đổi.

Xác mới hồn mới, dân chủ tự do mong lắm thay!