Wednesday, January 10, 2007

Tôi biết ông Cự, ông Đình hay những chuyện khác ông đội Bối chưa kể

Nguyễn Trọng Tân

Nhà văn Tô Hoài sinh năm 1920, cùng tuổi với bố tôi. Thời kỳ cải cách ruộng đất, nhà văn Tô Hoài, ông đội Tô Hoài đã 33–34; cái tuổi từng trải, cái tuổi ở đỉnh thăng hoa của sức lực, trí tuệ. Là đội phó đội cải cách, chánh tòa án đội cải cách ruộng đất, nhà văn Tô Hoài viết Ba người khác trong thế thượng phong của người trong cuộc, kể những điều trong ký ức, những sự thật lịch sử về một thời kỳ "đặc biệt" trong tiến trình cách mạng Việt Nam – mà lâu nay chẳng ai cấm mà vẫn như cấm viết, cấm nói về nó – thời kỳ tiến hành công cuộc cải cách ruộng đất đầy hùng hổ, ngây thơ và cũng để lại bao nhiêu oan nghiệt, kinh hoàng cho nhiều vùng nông thôn miền Bắc Việt Nam. Song dường như chưa có một tác phẩm văn học nào nói đích về nó. Ba người khác đã làm việc này. Ở đây tôi thực sự cảm phục cách lựa chọn chi tiết, dẫn dụ câu chuyện làm cho người đọc cảm nhận những câu chuyện cũ một cách đầy mới mẻ, hứng khởi. Ba người khác hấp dẫn, mông lung, lãng mạn, tò mò, khám phá... nó là tiểu thuyết, nó là hồi ký và nó cũng là sử ký.

Có thể người khác không đồng ý với nỗi hân hoan quá đỗi của tôi, nhưng thực lòng tôi ngốn ngấu nó trong bốn giờ liên tục với một tâm trạng bới tìm những lời giải về một thời mà chính tôi cũng là một thằng Vó thằng Cò con bác trưởng thôn Diệc trong Ba người khác. Một lũ trẻ ranh quần thủng đít, thò lò mũi xanh rồng rắn bám đít ông đội Bối đi xem đấu tố địa chủ.

Hôm nay, nhà văn Tô Hoài, ông đội Tô Hoài bước vào tuổi 87, thì tôi cũng bước vào tuổi 60, vẫn ôm trong lòng một mớ hiểu biết hổ lốn, những kỷ niệm đau buồn, uất ức của một đứa bé lên 7 tuổi bị vò cuốn trong cơn gió độc địa của cải cách ruộng đất ở quê tôi. 7 tuổi nhưng tôi phải khôn trước tuổi vì cuộc sống nghèo túng lam lũ. Tôi như tờ giấy trắng tinh bị cải cách ruộng đất hất một chậu mực đủ gam màu. Thậm chí 7 tuổi tôi đã biết phản ứng, yêu ghét, ngấm ngầm những điều sai đúng của người lớn. Với tôi đó là thời kỳ trái khoáy điêu hớt, nó xăm trổ vào ký ức, tình cảm tôi những điều méo mó không xóa đi được.

Bố tôi là đảng viên cộng sản, chủ tịch lâm thời ủy ban hành chính kháng chiến xã. Sau kháng chiến toàn quốc, ông thoát ly thành bộ đội chủ lực tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Mẹ tôi một người đàn bà mù chữ, ở nhà làm ruộng nuôi con. Thằng em tôi ba tuổi lúc cải cách, nó bé quá. Nhà tôi nghèo đến độ, trước đó giặc Pháp đốt làng, chỉ còn sót lại có một vì kèo. Phải gác nhờ cây cái móc vào vì kèo nhà bên cạnh mới lợp được hai mái rạ che nắng mưa. Mãi rồi bố tôi mới dựng được một túp nhà riêng giữa vườn chuối cho ba mẹ con trước khi ông đi thoát ly. Ngày đội cải cách về, chẳng hiểu cơn cớ làm sao mẹ tôi bị quy là cường hào ác bá (dây mơ dễ má đâu là chỗ ông nội tôi từng làm chân lý trưởng. Ông tôi mất năm 1933, trước ngày đội cải cách về đúng hai mươi năm. Đời bố tôi đã là một bần cố nghèo rớt mồng tơi, đi theo cách mạng).

Đang là con nít mải ăn mải chơi với trẻ con hàng xóm, lúc rủ nhau chui rào hái trộm ổi xanh, khi lang thang đúc dế ở chân đê, rồi đánh nhau lôi tên cái bố mẹ nhau ra mà chửi dọc đê làng... đùng một cái mẹ lôi hai anh em tôi xuống cái ổ rạ cạnh bếp vừa khóc vừa bảo (cái đũa bếp cháy vẹt một đầu đập đập theo tiếng thổn thức): "Bầm dặn thằng Tân từ hôm nay phải ngồi đóng gông ở nhà trông em. Không được đi chơi đi học nữa. Nếu gặp đám bạn con nhà hàng xóm thì phải khoanh tay chào bằng ông bà và xưng là con..."

Tôi phụng phịu phản ứng. Mẹ tôi giang tay tát một cái trời giáng vào mặt khiến hai mắt tôi nổ hoa cà hoa cải. Liền đấy bà ôm hai anh em tôi khóc như mưa như gió nói những điều mà tôi không hiểu: "Nhà ta từ nay là gia đình thành phần rồi con ơi..."

Mãi sau này tôi mới biết phần nào nỗi oan ức nhục nhã mà bà phải chịu. Cái tát vào mặt tôi cũng thể hiện sự cứng cỏi bà phải có để vượt qua những tháng ngày kinh khiếp và phi lý ấy. Mẹ tôi lấy bố tôi được hơn một năm thì nổ ra cướp chính quyền. Bố tôi hoạt động bí mật, thỉnh thoảng lại cùng các đồng chí của ông đem súng đạn, lựu đạn về cùng mẹ tôi chôn giấu xuống bên dưới các gốc chuối trong vườn nhà. Khi đủ chuyến các ông áp thuyền vào bến sông ngoài đê, đào vũ khí rồi chuyển lên chiến khu Vạn Thắng (vùng Hạ Hòa, Phú Thọ ngày nay). Chuyện lớn thế mà cứ kín nhẹm. Năm 1945 giặc Nhật chiếm làng tôi. Chúng bắt dân ra sân đình, thằng quan Nhật giơ cao thanh kiếm bảo là kiếm thần, chỉ cần cắm xuống đất nhà ai sẽ biết có chôn giấu vũ khí hay không. Ai có vũ khí đem nộp được thưởng. Ai cố tình chôn giấu, chúng sẽ chém cả nhà. Mẹ tôi thao thức trắng hai đêm. Chuyện kiếm thần khiến bà lo lắng bồn chồn. Chồng không thấy về. Ngoài vườn vẫn còn mấy hố đạn chưa đem đi hết. Đêm thứ ba bà lẳng lặng trở dậy, đào từng hố cho vào đôi thùng gánh nước bằng gỗ đem ra sông đổ. May thế nào mới đổ được hai chuyến thì bố tôi về. Ông nhào xuống sông mò lại và đem hết số vũ khí trong vườn đi. Mẹ tôi bảo, nhìn đứa con đỏ hỏn – ấy là anh cả tôi nhưng sau này không nuôi được – nghĩ đến lời thằng sĩ quan Nhật bà chẳng biết phải làm thế nào. Thôi gà mái giữ lấy cái ổ đã. Chuyện ấy may mà sau này đội cải cách không biết.

Là cường hào ác bá nhưng nhà tôi chẳng đủ gạo ăn. Đã thế còn lại cấm quan hệ với anh em, họ hàng chòm xóm. Đó là nỗi nhục, nỗi uất lớn nhất của mẹ tôi. Bữa cơm chỉ có sắn khô meo mốc luộc lên nhai, nhiều bữa ăn cháo củ chuối... Đêm nào mẹ tôi cũng giật mình thon thót khi bước chân tuần tra của dân quân nện phía ngoài hàng rào. Nhưng cũng có những tiếng động làm giật mình mà bà chờ đợi. ấy là bà ngoại tôi, các dì tôi biết ba mẹ con tôi đói nên thỉnh thoảng lại gói khoai lang, bắp ngô, túm gạo... nhằm lúc không có người ném bụp vào trong vườn. Bần cố nông cứ tiếp tế lương thực cho cường hào mấy tháng liền mà không ai biết.

Với tôi ngoài nỗi khổ của mẹ, có lẽ in đậm nhất là trò đám cán bộ đội cải cách nghĩ ra để phá hoại nhà tôi. Ngoài mấy thước ruộng trồng lúa, nhà tôi còn có một cây hồng không hạt rất ngon, giống hồng Hạc Trì. Cây hồng cổ thụ xum xuê che rợp bóng xuống cả đoạn đê trước nhà. Mùa quả mẹ tôi hái, ngâm vào một dãy nồi đình. Khi ăn được bà đem cho hàng xóm mỗi nhà vài quả, còn thì gánh sang chợ Nhông bên Trung Hà bán. Nhìn trước ngó sau thấy gia đình tôi không có cái gì đáng giá để tịch thu, chia quả thực, cán bộ Th., một tên lưu manh mạt hạng, chuyên sờ sẩm quả trứng buồng chuối của xóm giềng được đội cải cách xâu chuỗi thành rễ cốt cán nghĩ ra trò rất ma bùn. Hắn làm hai cái cán cờ thật dài, cho hai tay dân quân cầm đi đầu đoàn mít tinh, đến ngang cây hồng nhà tôi hắn giơ thật cao. Cành hồng nào chạm vào cờ cách mạng hắn hô dân quân lên chặt. Cây hồng quý duy nhất của làng tôi bị chém xơ xác và năm đó nó chết. Bao nhiêu người tìm cách chiết cành, ươm rễ nhưng đều không sống được. Cũng hôm ấy, thấy người đi mít tinh vui quá, hùng dũng quá, tôi quên thân phận mình, quên lời mẹ dặn, chui rào trốn ra cùng đám bạn bám quanh cán cờ. Mắt tôi cũng long lanh kích động, cũng nắm tay thụi ngược miệng hô: "Đả đảo bọn địa chủ cường hào ác bá"; "đào tận củ trốc tận rễ bọn trí phú địa hào...". Chợt rễ Th. nhìn thấy tôi. Hắn túm gáy, bẹo tai tôi vặn ngược, lôi xềnh xệch ra mép đê, đạp một cú chí mạng vào ngực tôi miệng chửi: "Đ. mẹ thằng cường hào con. Ai cho mày mó vào cờ cách mạng hả". Tôi lộn mấy vòng xuống chân đê, trong lòng vừa hoảng sợ vừa uất ức cực độ. Từ hôm ấy tôi cũng công khai chửi vào mặt bọn con nhà nông dân: "Ông đút b... vào chơi với chúng bay nữa. Ông chỉ chơi với thằng Vựng thằng Khàng thôi". Thằng Vựng con nhà phú nông, thằng Khàng con nhà địa chủ... Đám cường hào, địa chủ con chúng tôi đành tha thẩn chơi với nhau.

Nói cho cùng thì làng tôi bé teo heo, chỉ biết sống bằng nghề trồng lúa, chẳng có ai đáng mặt để gọi là địa chủ giàu có. Đội cải cách về thấy bảo tìm mãi mới được vài nhà dư dật hơn, ngày xưa ông cha có dính dấp tí hàm sắc, đôn lên làm thành phần bóc lột. Không có địa chủ nào đáng bị bắn. Chỉ có hai địa chủ bị đem ra đấu tố giữa chợ, tôi nhớ rất lâu chuyện bà địa chủ Oanh, chính thằng cháu khốn nạn lên xỉa xói, nhổ nước bọt vào mặt bà, giật dứt cái mấm vàng trên tai bà và vu những chuyện không đâu. Còn lại vài nhà bị gọi là cường hào, phú nông như mẹ tôi hình như cho đủ tiêu chuẩn quy định. Các cụ trong làng tôi bây giờ vẫn kể cái cảnh quy địa chủ mà cứ như trò đùa. Đội cải cách tập hợp người lại bảo đấu tố, kể khổ truy bức. Có bà Tý toét ở thôn Cao bị quy địa chủ. Nghe thấy tên mình bà ta còn đứng dậy cám ơn rồi từ chối: "Nhà cháu một chữ cắn đôi không biết, lại neo lắm, cháu không làm địa chủ được đâu, cháu xin nhường anh thẽm Cửu..." Đại loại cách hiểu về địa chủ cường hào vùng tôi là thế. Đội cải cách ruộng đất về làng như một cơn gió độc, cuốn lộn tùng phèo mấy chục nóc nhà giống như mấy chục cái đụn rạ của thôn tôi lên. Mãi sau này khi trưởng thành, tôi mới thấy sự tác hại ghê gớm của nó còn di họa đến tận ngày nay, đó là sự phá vỡ cái kết cấu chặt chẽ của nông thôn Việt Nam, những mối quan hệ tốt đẹp, tương thân tương ái, hợp lý hợp tình của mỗi quần thể sống, như người xưa vẫn dạy: xóm giềng "sớm lửa tối đèn" có nhau. Nguy hại hơn nó còn phá vỡ nếp sống tốt đẹp tôn ti trật tự có trên có dưới, cái hạt nhân làm nên tinh hoa văn hóa của mỗi dân tộc, đó là gia đình, cũng như triệt hạ không ít những con người tinh hoa nhất, giỏi giang nhất trong mỗi làng xóm. Và cũng chỉ từ cải cách ruộng đất các cụ bảo mới có chuyện con cháu hỗn hào với ông bà cha mẹ, mới có chuyện con chửi cha, vợ lộn chồng như thế.

Rồi cũng sửa sai. Mẹ tôi xuống hàng bần nông. Cái hôm được "giáng chức" ấy, bà lại khóc một trận tơi bời. Khóc như rũ đi cái gánh đời ô nhục vơ với quàng vào cổ bà. Chẳng bóc lột ai, chẳng ân oán với ai nên mối quan hệ cũ cũng bình tâm trở lại. Chỉ có tôi là vẫn ngang bướng. Tôi nhìn đám con cái nông dân với ánh mắt khinh bạc. Tôi tìm đủ cớ để gây sự với chúng. Bố tôi nhận ra sự tổn thương trong tình cảm của tôi, sự méo mó trong tuổi thơ tôi nên ông đưa tôi về sống ở Hà Nội để cắt đứt với những ám ảnh cũ. Lúc ấy ông đang được giao phụ trách các rạp chiếu bóng Hà Nội của chi nhánh điện ảnh I, chỗ ở chính là 59 phố Cửa Nam, ngay trong rạp chiếu bóng Kinh Đô. Tôi bắt đầu đi học lớp 1 ở trường Lý Thường Kiệt, phố Sinh Từ. Hôm nhập học, bố mẹ tôi cùng đưa đi, tôi chưa quen đi dép, cứ chân đất tôi chen lấn làm dạt đám cậu ấm cô chiêu thơm tho Hà Nội để leo lên ban công tầng hai, ngang với ngọn cây xoan ở quê. Tôi thò đầu ra vẫy tay, rối rít gọi toáng lên: “Bầm ơi. Em ở đây mà!”

Cái khăn mỏ quạ của bầm tôi ngúc ngoắc lo tôi ngã. Còn ánh mắt ngạc nhiên và khinh bỉ của đám học trò Hà Nội cũng không làm tôi bớt vui vì một mảng cuộc đời khác đã đến sau những ngày cải cách ruộng đất đầy tối tăm.

Cho đến tận bây giờ tôi chỉ hiểu cải cách ruộng đất một cách lõm bõm, thật hư, đậm nhạt như thế. Ba người khác giống như một bộ phim có đầu có cuối giúp tôi giải nghĩa, lắp ghép, xâu chuỗi những mảng còn thiếu, những chỗ đứt đoạn, mờ ảo trong cái ký ức còn quá non dại thời ấy. Háo hức tìm đọc Ba người khác như tìm lại hình bóng của chính mình, những câu chuyện, hoàn cảnh giống gia đình mình. Thì ra ở đâu cũng vậy, cũng có chuyện nhốn nháo, hàm oan, cũng đĩ bợm, khốn nạn.

Còn cánh cán bộ đội, những chuỗi, rễ cơ hội lưu manh ở thôn tôi sau này cũng không thấy ai thành người tử tế. Riêng tay đội Xuấn gian ác nhất, người già làng tôi vẫn kể rằng vào một đêm tối trời hắn bị ai đó giết chết treo lên cành gạo cạnh ủy ban xã. Hạ bộ bị cắt, cái của quý nhét vào miệng. Chẳng biết đúng sai đến đâu nhưng rất nhiều thôn khác trong xã cũng nhận hắn là ông Đội của thôn mình – tôi đã lấy những chi tiết này đưa vào truyện ngắn "Trang gia phả viết bằng vôi" – còn bao nhiêu điều nữa người làng đồn thổi về các ông đội cải cách ruộng đất, tất cả đều kèm theo tiếng thở dài, ai oán.


© 2007 talawas

Nguồn: Phát biểu tại Toạ đàm về tiểu thuyết Ba người khác của nhà văn Tô Hoài do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức ngày 22/12/2006

Nhà thơ Hữu Loan: Tự phỏng vấn

Hữu Loan, talawas.org

Năm 1988, khi cuộc Đổi mới bắt đầu, nhà thơ Hữu Loan rất phấn chấn. Ông đã viết một bài "tự phỏng vấn" gửi cho báo Lao động Chủ nhật nhưng không được in. Nay, 19 năm sau, nhà thơ 91 tuổi đã đồng ý để talawas công bố bài trên. Các chú thích trong bài được phóng viên talawas ghi trực tiếp theo lời của nhà thơ và gia đình trong cuộc gặp gỡ mới đây tại nhà ông.

Tiểu sử

Tên Hữu Loan cũng có tên đời là Nguyễn Văn Dao, Sắt Đỏ, Tốt Đỏ, Binh Nhì… Tên chợ là Ông già Vườn Lồi (Phù Viên Lỗi). Sinh năm Bính Thìn (1916), tại thôn Vân Hoàn, Nga Sơn, Thanh Hóa.

Từ 1936 đến 1942 làm cách mạng trong phong trào học sinh và nhà trường.

Từ 1943 đến 1945 về đi cày và đánh cá, làm Việt Minh và làm khởi nghĩa huyện nhà [1]. Cùng năm làm Ủy ban Lâm thời tỉnh phụ trách 4 ty Giáo dục, Thông tin, Công chính và Thương chính. Chán lại về đi cày và đánh cá nuôi bố mẹ già.

Từ nửa năm 1946 đến 1951, điện mời làm chủ bút báo Chiến sĩ Quân khu IV ở Huế. Gặp Nguyễn Sơn, ủng hộ đường lối ưu tiên với văn nghệ sĩ [2].

Khi Nguyễn Sơn bị đình chỉ công tác, trả cho Trung Quốc, đường lối Nguyễn Sơn bị Lê Chưởng và Hoàng Minh Thi phản đối, Hữu Loan đề nghị giữ Phạm Duy ở lại không được, lại về đi cày cho đến 1954 tiếp quản thủ đô lại có điện mời ra làm biên tập cho báo Văn nghệ, được mời vào làm hội viên Hội Nhà văn. Sau tham gia Nhân văn rồi bỏ về đi cày, đi thồ, từ 1958 cho đến giờ (cuối 1987) [3]…

________________

Phóng viên: Từ mấy chục năm nay trong dân gian và trong văn học thường hay nói đến "Nhân văn-Giai phẩm", đến "vụ án Nhân văn-Giai phẩm" như là một chuyện gì ghê gớm lắm mà những người đã tham gia vụ ấy là những tên đầu trộm đuôi cướp, lừa đảo không thể dung tha được, những bọn cặn bã xấu xa nhất của xã hội ta. Nhưng trong thực tế thì thơ, nhạc của họ đều được nhân dân truyền tụng ngầm rồi đến công khai, cấm cũng không xong, càng ngày càng lan tràn. Ngay cả đến nhà nước lại cũng đã tuyên bố phục hồi cho họ, in lại thơ, lại nhạc. Như thế là trước kia không phải họ sai mà nhà nước sai hay sao? Nếu nhà nước sai thì làm gì còn có "vụ án Nhân văn"? Có sai mới có án, mà đã không thì cái gọi là "vụ án Nhân văn" là một vụ oan. Nhưng mới gần đây vẫn có người trịnh trọng tuyên bố "vụ Nhân văn" là một vụ án. Chúng tôi là những người cầm bút chuyên môn mà vẫn thấy mâu thuẫn khó hiểu, huống hồ người dân thì lâu nay chỉ được thông tin một chiều… Họ thắc mắc hỏi chúng tôi, chúng tôi rất lúng túng không giải thích nổi. Vậy thì thưa ông Hữu Loan, ông đã là người trong cuộc, xin ông giảng lại cho: Thế nào là "Nhân văn"? Thế nào là "Vụ án Nhân văn"?

Hữu Loan: Tất cả mọi cái này, tôi đã có ý kiến đầy đủ trong bản kiểm điểm của tôi ở trại chỉnh huấn Nhân văn. Các anh nên đến qua Công an Hà Nội tìm đọc thì hơn.

Phóng viên: Bác ngại sao?

Hữu Loan: Cũng ngại chứ!

Phóng viên: Vì sao vậy?

Hữu Loan: Vì tuổi tác cũng có. Nhất là vì mới đây thấy hưởng ứng lời kêu gọi tự do báo chí, Nguyên Ngọc chỉ cho đăng số bài của các nơi gửi về mà đã bị kết tội là sai phạm lệch lạc nghiêm trọng hơn nhiều, rồi hết cuộc họp này đến cuộc họp khác, để kiểm điểm, để bàn cách đối phó. Nhưng dù sao, khắp nơi các báo chí đều dám lên tiếng ủng hộ Nguyên Ngọc.

Còn hồi tôi về thì không một người bạn nào dám đến đưa chân ngay ở nhà chứ đừng nói ra ga, mặc dù có những bạn tôi đã đấu tranh cho được vào biên chế, được vào Hội Nhà văn mà mới cách đây vài năm đi công tác qua nhà tôi cũng vẫn còn sợ liên quan không dám vào. Họ đều đổ cho là tại chế độ, tại tình hình. Nhưng nếu chế độ là chế độ thì người cũng phải là người chứ. Cái gì cũng có giới hạn của nó. Đấy là bè bạn, là người ngoài. Ruột thịt đối với tôi còn tàn nhẫn hơn nhiều.

Những năm 1943, 1944, 1945, Nhật đánh Pháp ở ta dữ dội, trường tư tôi dạy phải đóng cửa, tôi về quê vừa làm ruộng, đánh cá để nuôi bố mẹ và để hoạt động Việt Minh bí mật. Mấy năm ấy đói to. Bố mẹ tôi vẫn phải nhịn cháo rau cho cán bộ Việt Minh bí mật về ăn. Những người cùng ở ban khởi nghĩa với tôi làm to cả, gia đình nào bố mẹ cũng sung sướng, nguyên tôi lại về. Mẹ tôi buồn ốm chết. Bố tôi chửi tôi:

“Mày làm Việt Minh chặt hết của tao một giặng tre để rào làng, rào giếng.”

Các cháu trong nhà trong họ không đứa nào không chửi:

“Ông về là đúng! Trời làm tội ông. Lúc ông phụ trách 4 ty còn ai nhiều chức hơn ông mà con cháu chả đứa nào được nhờ. Ông cho trong huyện hơn bốn mươi người ra làm giáo viên, con cháu xin thì ông bảo: ‘Chúng mày rồi hẵng…’ Ông chỉ toàn khuyên các cháu đi bộ đội. Nghe ông, bốn đứa xung phong đi, giờ còn có một đứa về… Hồi Việt Minh còn đang bí mật, ông đứng ra lãnh gạo, muối, diêm về phát cho dân. Ông phát cho dân trước, đến lượt ông và con cháu ông lần nào cũng hụt, có lần hết sạch. Bây giờ ông coi họ lãnh sữa bột, dầu cải của quốc tế cho trẻ em, họ chia nhau trước, đến lượt trẻ em thì hết. Không ai dại như ông. Khi ông có tiêu chuẩn xe con, đi các huyện khác thì ông còn đi xe con chứ khi nào về huyện ta ông toàn đi xe đạp, trong khi những người không có tiêu chuẩn xe, họ mượn xe của ông để về vênh váo với làng nước. Ông bảo ông làm cách mạng, để cho cả làng được đi học. Khi cách mạng thành công thì thằng con ông thi đại học đậu thừa điểm đi nước ngoài họ không cho đi ngay cả trong nước và chúng đã thay vào chỗ con ông một tên Cường không đậu, tên na ná với tên con ông là Cương.”

Có đứa nó như phát điên và nó đã chửi tôi:

“Ông là loại ngu nhất. Ông bảo ông mẫu mực, cái mẫu mực ấy đem mà vứt cho nó ăn. Chả đứa nào nó thương ông. Ông tự làm khổ ông lại làm khổ lây đến con cháu…”

Mỗi lần như thế tôi phải đấu dịu với chúng:

“Thôi tao van chúng mày, nếu mẫu mực mà lại được ngay ô tô nhà lầu thì chúng tranh chết nhau để làm mẫu mực chứ chả đến phần tao. Ngay ngày 2/9, bên xã mổ thịt bán tự do cho dân về ăn Quốc khánh, tao biết thân phải đến rất sớm mà cũng chả đến phần. Những ông Đảng ủy, Ủy ban v.v… được mua trước, đến mình thì hết phần…”

Phóng viên: Như vậy là bác chán không muốn nói đến chuyện "Nhân văn-Giai phẩm" nữa?

Hữu Loan: Ai mà chả phải chán. Mình đấu tranh cho họ, bênh vực họ, khổ vì họ, họ lại đè mình họ chửi, họ oán. Những kẻ gây tai họa cho họ, họ lại cho là đúng, là gương để cho họ noi theo.

Phóng viên: Xưa nay bác vẫn là người nói thẳng, nói thật, lúc trẻ bác còn dám nói, giờ già rồi không lý nào bác lại sợ, lại hèn?

Hữu Loan: Anh kích tôi đấy phỏng? Tôi là người không bị động bao giờ.

Phóng viên: Cháu không dám hỗn thế đâu, nhưng đây là một vấn đề của lịch sử, trước sau rồi cũng phải đưa ra ánh sáng. Chỉ có bác là người trong cuộc, bác giúp cho bọn cháu thì nó cụ thể hơn, sát hơn, để các cháu có thể hiểu được những cái vô cùng rắc rối của giai đoạn xã hội hiện nay…

Hữu Loan: Thực ra nếu bên Liên Xô không có Khrushchev lật Stalin, đưa ra phong trào chống sùng bái cá nhân thì bên Tàu không làm gì Mao Trạch Đông đưa ra chuyện “Bách gia tranh minh, bách hoa tề phóng" và bên ta hưởng ứng tức thời bằng phong trào mang tên dịch lại nhãn hiệu Trung Quốc “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”. Tên nôm na của ta là “Chống sùng bái cá nhân”.

Trước đó thì ở ta có hiện tượng rất phổ biến này: Khi gặp nhau, trước bất cứ câu đối đáp nào đều phải có nhóm thành ngữ “ơn Đảng ơn Bác" đứng đầu. Thí dụ:

“Ơn Đảng ơn Bác, đồng chí có khỏe không?”

“Dạ, ơn Đảng ơn Bác lâu nay tôi ốm mãi, ơn Đảng ơn Bác tôi mới xuất viện được 2 hôm nay.”

“Ơn Đảng ơn Bác thế mà em không hay biết gì…”

Sau hàng tháng phát động đấu tranh kiểm điểm ở từng cơ quan để bỏ chữ Bác đi và thay thế bằng: “Ơn Đảng ơn Chính phủ”:

“Ơn Đảng ơn Chính phủ vụ mùa này thu hoạch có đủ nộp không?”

“Ơn Đảng ơn Chính phủ nhà em có con lợn mới độ 30 ký đang lớn, thanh niên cờ đỏ vào bắt nợ rồi, được bao nhiêu thóc đong hết sạch mà còn thiếu phải bù bằng lợn…”

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc liên tiếp bị đô hộ, hết Tàu đến Tây, đến Nhật, đến Mỹ… Cái khao khát, cái đói cố hữu của dân tộc này là đói độc lập, tự do, cơm áo. Khi thấy Đảng hứa đem lại những thứ ấy cho thì người dân tin tuyệt đối vào Đảng. Đảng bảo gì họ theo nấy, bảo phá nhà thì phá nhà, bảo bỏ ruộng thì bỏ ruộng, bảo bỏ bố bỏ mẹ, bỏ vợ bỏ chồng, bỏ Trời bỏ Phật, bỏ được tất, còn dễ hơn từ bỏ đôi dép rách. Anh đội trưởng cải cách chỉ là một sứ giả của Đảng mà dân cũng đã tin hơn trời: “Nhất đội nhì trời”.

Lòng dân tin vào Đảng không thước nào đo được, nên khi phát động để phủ nhận một điều gì Đảng đã chủ trương trước kia, thật là vô cùng khó khăn. Nguyên chỉ để thay đổi câu “Ơn Bác ơn Đảng” và kiểm điểm những việc làm trước kia có tính chất sùng bái cá nhân mà cũng mất hàng tháng phát động ở mọi cơ quan.

Khẩu hiệu là “Nói thẳng, nói thật, nói hết để xây dựng Đảng!” Không những nói mồm mà còn viết lên các báo. Không những viết lên các báo nhà nước mà còn khuyến khích mở báo tư nhân để viết. Vì thế mới có Nhân văn, Giai phẩm của chúng tôi. Và Trăm hoa của Nguyễn Bính.

Bài thơ “Màu tím hoa sim” của tôi (từ trước vẫn do dân tự tiện truyền tụng ngầm, bất chấp lệnh nghiêm cấm của những tướng trấn ải giáo điều), được đăng công khai lần đầu tiên báo Trăm hoa. Nguyễn Bính còn cho thuê taxi có loa phóng thanh đi quảng cáo khắp Hà Nội là Trăm hoa số này có thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan. Mấy tháng sau tôi đi cải cách ruộng đất, làm bài thơ “Hoa lúa”, 22 anh em nhà báo nhà văn đi cải cách truyền tay nhau chép. Chị Bạch Diệp báo Nhân dân xin chép đầu tiên, nhưng ý trung nhân của chị là anh Xuân Diệu ở báo Văn nghệ không đăng, bảo là thơ tình cảm hữu khuynh, mất lập trường. Trần Lê Văn đến mách với Nguyễn Bính, Bính đến xin ngày bài “Hoa lúa” về đăng Trăm hoa. Anh Bính còn làm một cử chỉ rất hào hùng là đem đến trả cho vợ tôi 15 đồng nhuận bút, trong khi đăng Văn nghệ chỉ được 7 đồng.

Anh bảo với vợ tôi: “Hữu Loan ở nhà thì tôi xin (tôi vẫn viết không lấy nhuận bút để giúp những tờ báo nghèo, mới ra) nhưng Hữu Loan đi cải cách chị cũng cần tiêu (15đ bằng 150.000đ bây giờ). Một chỉ vàng lúc ấy mới 20 đ. Nói ra điều này để thấy rằng mức sống của người cầm bút hiện nay đã vô cùng xuống dốc. Nhuận bút của cả một quyển sách hiện nay không bằng tiền của một bài thơ Nguyễn Bính trả cho tôi. Nhà thơ Tố Hữu đã có dự báo thiên tài: “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng!” Từ ấy đến giờ xuống dốc tuồn tuột không phanh, không thắng…

Chính sự xuống cấp thảm hại trong đời sống đã là nguyên nhân chính trong việc lưu manh hóa một số nhà văn, họ đã phải uốn cong ngòi bút, cũng như trong việc in sách đen sách trắng vừa rồi.

Phóng viên: Xin bác cho biết lại về vụ "Nhân văn".

Hữu Loan: “Nói thẳng nói thật, nói hết, để xây dựng Đảng”. Không những chỉ có Nhân văn hay Trăm hoa mới nói thật, mà cả nước nói thật. Cả nước kêu oan. Những “Ban Giải oan” đã thành lập để vào trong các nhà tù giải oan cho hàng vạn người bị cải cách quy oan….

Nhưng đã ăn thua gì. Đơn từ kêu oan từ các nơi gửi về tòa soạn Nhân văn thật đã cao bằng đầu, như “đống xương vô định”. Nhân văn đã xếp thành văn kiện chuyển cho Trung ương Đảng nghiên cứu để thay đổi chính sách. Thật ra Nhân văn chỉ khái quát tình hình để đúc thành lý luận. Bài báo bị cho là phản động, phản Đảng, phản dân nhất của Nhân văn là bài “Vấn đề pháp trị” do Nguyễn Hữu Đang viết [4] .

Trong bài ý nói: sở dĩ chỗ nào cũng có áp bức chà đạp lên con người là vì chưa có pháp luật rõ ràng. Tòa án là một tòa án tha hồ tùy tiện còn hơn Tôn giáo Pháp đình của giáo hội La Mã hồi Trung Cổ. Muốn bắt ai thì bắt, muốn xử ai thì xử, bịa ra luật nặng nhẹ tha hồ để xử… Bài báo kêu gọi cần phải phân quyền thì người dân mới có bình đẳng trước pháp luật… Sau hơn ba mươi năm do tình trạng pháp luật tùy tiện mà xã hội xuống cấp một cách tệ hại như hiện nay. Vấn đề hàng đầu đang đặt ra để giải quyết cũng là mấy vấn đề pháp trị mà Nguyễn Hữu Đang đã đặt ra cách đây hơn 30 năm (mà phải nói đây là vấn đề sống còn của chế độ).

Không có một cộng đồng nào mà thành viên nào cũng chứa toàn âm mưu đen tối để chủ hại người bên cạnh, không người nào biết phải biết trái, mà sống nổi lâu dài. Nhân loại sinh ra để hợp tác với nhau, để tin nhau là chính, mới sống được đến giờ. Ngày xưa, ngay hồi Pháp thuộc cả một vùng lớn như một huyện mới có độ 5 – 6 tên trộm mà trộm không được pháp luật bênh như thế, mà dân cũng còn lo ngay ngáy cho số phận trâu bò của cải của mình. Còn bây giờ thì chỉ một thôn thôi cũng có hàng vài chục tên trộm cướp công khai, coi thường pháp luật thì hỏi người dân còn an cư thế nào để lạc nghiệp được?

Một vấn đề nữa Nhân văn đặt ra là “Vấn đề Trần Dần” đăng trong Nhân văn số 1, có chân dung Trần Dần to tướng với một vết dao lam cứa cổ to tướng do danh họa Nguyễn Sáng vẽ [5].

Từ trước ai cũng một lòng tin Đảng, cả trong lĩnh vực văn học. Tự Liên Xô đưa về rồi tự Diên An đưa sang, tài liệu hiện thực xã hội chủ nghĩa, tức là con đường đi lên trong văn học nghệ thuật. Nghĩa là văn nghệ chỉ được nói đến cái xã hội thiên đường vô cùng đẹp chưa có, chưa biết bao giờ mới có chứ không được nói đến những cảnh trộm cướp áp bức bóc lột đang diễn ra trước mắt. Rất hiếm những bí thư, chủ nhiệm, thủ kho, cửa hàng trưởng tốt, phải nói hầu hết là ăn cắp, thi nhau để ăn cắp, nhưng văn học không được nói thực mà phải dựng lên toàn là những người lý tưởng. Luận điệu thuộc lòng là: Không có ăn cắp mới lạ, có ăn cắp là tất nhiên. Đấy là thứ sốt rét vỡ da của nhân vật khổng lồ, của một chế độ khổng lồ!

Cũng thành khổng lồ thật nhưng lại là khổng lồ đi xuống, một thứ quỷ khổng lồ hay một thứ khổng lồ không tim như đã dự báo trong một truyện ngắn ở Nhân văn. [6]

Đường lối đó ở ta đã được ông Trường Chinh tiếp thu và bảo vệ, và truyền giáo như một thánh tông đồ xuất sắc.

Một người nhà báo hỏi ông:

“Như vậy là Cách mạng đã cấm tự do ngôn luận.”

Ông Trương Chinh sửng sốt:

“Anh nói sao? Các anh được tha hồ tự do chửi đế quốc đó thôi.”

Như thế là đường lối hiện thực xã hội chủ nghĩa đã cấm hẳn hiện thực phê phán là thứ vũ khí sắc bén nhất của báo chí để cải tạo kịp thời xã hội. Lý luận hiện thực XHCN này được học tập ráo riết trong quân đội, trung tâm đào tạo những tông đồ để áp dụng và đi phổ thuyết về “con đường đi lên” là Tổng cục Chính trị lúc bấy giờ do ông Nguyễn Chí Thanh làm Tổng cục trưởng và ông Tố Hữu làm Tổng cục phó. Trong số văn nghệ sĩ phản đối đường lối hiện thực xã hội chủ nghĩa có Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Tử Phác… Có lẽ quyết liệt nhất là Trần Dần, nên Trần Dần bị bắt giam và trong nhà giam Trần Dần đã dùng dao lam cắt ven cổ nhưng chỉ toác da, chưa đứt đến ven thì đã kịp thời chặn lại.

Vì thế mà có bài “Vấn đề Trần Dần” trong Nhân văn số 1 như đã nói trên. Đây là một vấn đề văn học, hoàn toàn văn học. Đây là một cử chỉ khí tiết của nho sĩ Việt Nam trước cường quyền không bao giờ là không có, dù cường quyền có thiên la địa võng đến đâu thì cái truyền thống đáng tự hào ấy, cái hồn thiêng của sông núi ấy không tà khí nào làm mờ nổi. Trần Dần chỉ là hậu thân của những người đã viết “Vạn ngôn thư”, “Thất trảm sớ”… Cũng như vấn đề pháp trị của Nguyễn Hữu Đang, vấn đề văn học mà Trần Dần đòi xét lại cách đây hơn 30 năm hiện giờ vẫn đang rất là thời sự. Cái tai họa lớn nhất hiện giờ vẫn là do khuyến khích tô hồng, đề cao người giả, việc giả, hàng giả… Những người thấy trước tai họa, chân tình muốn ngăn chặn tệ nạn xã hội tô hồng thì bị gán ngay cho cái tội bôi đen.

Đáng nhẽ những người như Nguyễn Hữu Đang và Trần Dần phải được một giải thưởng quốc gia, một cái giải vinh quang là đã đưa ra được giải pháp để cứu nguy cho dân tộc.

Nhưng trái lại, lại vu oan giá họa, đặt lên đầu họ cái án gọi là "án Nhân văn".

Thực ra Nhân văn hưởng ứng lời Đảng gọi: “Nói thật, nói thẳng, nói hết để xây dựng Đảng", và chỉ đấu tranh cho tự do báo chí, tự do ngôn luận mong thực hiện tự do bầu cử vào quốc hội, vào chính phủ. Chỉ cần thực hiện thật sự dân chủ nội dung của Hiến pháp là cũng đã lý tưởng rồi.

Hiện nay báo Văn nghệ cũng đang làm cái việc như Nhân văn ngày xưa làm, cũng do được kêu gọi, được giao trách nhiệm Nguyên Ngọc mới dám làm, và báo Văn nghệ cũng đang bị khép tội là mắc những lệch lạc nghiêm trọng.

Có điều khác là: Nhân văn ngày xưa đơn độc, khi bị đánh không ai dám bênh, ngậm cái miệng cúi đầu mà mang án. Còn bây giờ thì hoàn cảnh trong nước và ngoài nước đã khác. Không thể đóng cửa mãi ở trong nhà và ngủ yên được mãi trên những sai lầm vô định. Khi Nguyên Ngọc bị đánh, đã có báo chí khắp nơi lên tiếng, những bản kiến nghị đang tiếp tục gửi về…

Nếu phong trào tự do báo chí, phong trào ủng hộ Nguyên Ngọc và báo Văn nghệ mà bị dập, tức là bọn quan liêu cơ hội thắng thế, kết quả là xúc tiến sự sụp đổ toàn diện, sự tổng khủng hoảng kinh tế cũng như chính trị và uy tín của Đảng sẽ bị mất hoàn toàn vì bọn chúng. Quần chúng sẽ mất hết tin tưởng vào Đảng.

Từ trước tới giờ: làm sai cũng là bọn cơ hội, kêu gào sửa sai cũng là chúng, rồi đàn áp sửa sai cũng lại là chúng. Khi sai quá rồi không sửa thì dân không chịu nổi phải nổ. Nhưng sửa đến triệt để thì cháy nhà lại ra mặt chuột, nên cứ nửa chừng thì lại đàn áp sửa sai; chúng vu cho những người đã từng làm theo chúng tội rất nặng, càng nặng thì quần chúng càng dễ quên tội của chúng và cho rằng những rối loạn trước kia là do âm mưu bọn sửa sai gây ra. Chúng bàn nhau mưu kế dựng chuyện theo bài bản, những ông trên không sát cũng phải tin như thật.

Chính Nguyễn Hữu Đang đã rơi vào trường hợp như vậy.

Đang là người giác ngộ cách mạng sớm. Anh là linh hồn của Hội Truyền bá Quốc ngữ mà cụ Nguyễn Văn Tố là danh nghĩa. Dựa vào Hội TBQN, Nguyễn Hữu Đang đã hoạt động cho mặt trận Văn hóa Cứu quốc. Những nhà văn như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, đều do Đang tổ chức vào mặt trận. Khi chính phủ vào Hà Nội, Nguyễn Hữu Đang là trưởng ban tổ chức lễ Tuyên ngôn Độc lập, sau làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên. Khi rút khỏi Hà Nội năm 1952-1953 vào Thanh Hóa, Nguyễn Hữu Đang là Tổng thanh tra Bình dân học vụ. Năm 1954 tiếp quản thủ đô, Trung ương cho xe vào Thanh Hóa mời Đang ra, muốn nhận bộ trưởng nào thì nhận, mời sinh hoạt Đảng, anh đều khước từ. Tôi hỏi vì sao, anh bảo:

“Nội bộ thiếu dân chủ trầm trọng, mình bây giờ chỉ một mình một Đảng.”

Sau hỏi anh làm gì, anh xin về làm nhà in, trình bày cho báo Văn nghệ.

Mãi đến gặp phong trào "Trăm hoa", Đảng phát động cho viết báo tự do, lại cho mở báo riêng thì anh Đang mới ra làm Nhân văn.

Anh Đang là một người rất có khả năng về chính trị cả về lý luận lẫn tổ chức, lại là một người rất hay giúp đỡ anh em và rất giữ lời hứa. Để một người có tài có đức như vậy thì bọn cơ hội hết đường xoay xở nên phải đánh. Một mặt phải phát động tố điêu dựng tội (như hồi cải cách dựng địa chủ) để đưa Nguyễn Hữu Đang lên thành phản động đầu sỏ. Một mặt sai điều động từ Thanh Hóa ra, từ các nơi về, hàng 6 sư đoàn để về vây thủ đô đề phòng bọn Nhân văn làm phản (trong khi Nhân văn chỉ mấy thằng đi kháng chiến về, đói rách trói gà không nổi). Việc điều động một lực lượng quân đội lớn như vậy mãi sau tôi về quê gặp những người ở trong các đơn vị ấy nói lại tôi mới biết.

Khi học tập, dựng tội cho Nguyễn Hữu Đang xong, cả lớp học sát khí đằng đằng hò hét nào là tên Đang, nào là thằng Đang phản động đầu sỏ. Mọi người ký vào kiến nghị lên Trung ương Đảng đòi xử tội đích đáng Nguyễn Hữu Đang. Tôi là người duy nhất đã ký như sau: “Khi Nguyễn Hữu Đang hoạt động với tôi, tôi thấy Nguyễn Hữu Đang là người có tài, có đức, tội trạng mới đây của Nguyễn Hữu Đang tôi chỉ tai nghe, mắt không thấy, tôi không dám kết luận. Ký tên: Hữu Loan"

Thế là Nguyễn Hữu Đang bị kết án 17 năm tù, mới đi được 7 năm thì nhờ đâu có sự can thiệp của Nhân quyền Quốc tế nên anh được tha. Đáng nhẽ không thưởng, không giải oan cho Nguyễn Hữu Đang thì im quách đi cho nó xong, đừng nay gào mai gào “Vụ Nhân văn là một vụ án chính trị!”. Gào như vậy nhưng nếu có ai hỏi đến để tìm hiểu lịch sử thì lại bảo “Đó là vụ án đã qua, bọn Nhân văn đã nhận tội không nên nhắc đến nữa!”.

Nếu không nhắc Nhân văn, sao người ta vẫn nhắc đến phát-xít, Hitler, đến Stalin, đến Pol Pot? Thậm chí bọn vua chúa hay Pháp Nhật Mỹ đã đi từ lâu rồi, mà bao nhiêu vụ ăn cắp cũng là do phong kiến đế quốc, bao vụ cưỡng hiếp phụ nữ trong cơ quan cũng là do phong kiến đế quốc, mặc dù những người thực hiện các vụ ấy đều thuần túy xã hội chủ nghĩa gốc Việt.

Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông có cấm nói đến mình được mãi không, dù là những bạo chúa, những nhà độc tài cỡ quốc tế?

Ngoài Nguyễn Hữu Đang còn có thêm những người này:

Phùng Cung, tác giả truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh” [7] : 7 năm tù giam. Vũ Duy Lân (Bộ Nông lâm, bị nghi là cho Nguyễn Hữu Đang một áo len khi đang đi tù): bị giam 7 năm mới tha.

Giám đốc Nhà xuất bản Minh Đức: 17 năm như Đang.

Nhà nước xuất bản thì lúc nào cũng kêu lỗ, mặc dù in nhiều hơn Minh Đức mà trả quyền tác giả lại rất rẻ mạt. Nhà Minh Đức xuất bản Vũ Trọng Phụng, mời con gái của Phụng lên lĩnh nhuận bút mà còn bỏ tiền về Hà Đông xây mộ cho Vũ Trọng Phụng. Minh Đức định xuất bản Kiều để vào xây mộ cho Nguyễn Du nhưng bị bắt. Ngoài ra từ 1954 đến 1956 Minh Đức còn mua được ½ nhà ưu giá 30.000đ (bằng 150 cây vàng). Nhà Minh Đức làm ăn lời lãi như vậy mà ngoài anh ta ra chỉ có thêm vài người giúp việc. Còn những nhà xuất bản của nhà nước thì nhà nào cũng rất đông người làm mà chả được bao nhiêu việc, nhà nào cũng kêu lỗ, nhưng vẫn cứ cố bao nhiêu rơm cũng ôm.

Xưa nay bất cứ ai nhận một công việc gì đều phải có trách nhiệm với công việc ấy, công việc càng khó khăn, lớn lao trách nhiệm càng nặng nề, ở ta lại toàn chuyện ngược đời. Một lái xe chặn chết người muốn sửa sai không được, anh phải đi tù, phải tước bằng. Anh bác sĩ chữa bệnh làm chết người cũng thế, phải tước bằng và đi tù. Đấy là những người làm chết ít người. Còn những người cầm vận mệnh của cả nước đã làm cho đồng bạc mất giá hàng vạn lần, làm cho hầu hết công nông trường xí nghiệp phá sản, cho 90% con cái gia đình thành lưu manh, cho 50% trẻ em mất dinh dưỡng, còn giết oan bao nhiêu người có tài, có đức, còn phá phách bao nhiêu công trình văn hóa lịch sử. Những con giun bị đạp gào lên: "Sai rồi!" thì họ rất bình tĩnh trả lời: "Sai thì sửa!" hoặc bất đắc dĩ phải sửa thì không sửa chân thành.

Họ vẫn núp dưới cờ Đảng để đi từ sai lầm tày trời này đến sai lầm tày trời khác. Họ đang làm cho dân không còn tin vào Đảng. Họ xúc phạm vào anh linh những đảng viên ưu tú đã nằm xuống. Họ coi thường những Đảng viên ưu tú đang sống, đang không ngớt đấu tranh để thể hiện những tính cách vô cùng cao quý của người cộng sản cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, khổ trước sướng sau v.v…

Hỡi những người Đảng viên quang vinh của Đảng Cộng sản vô cùng quang vinh, người dân đau khổ lâu đời lúc nào cũng đứng bên các bạn.


____________________


Phụ lục:

Giai thoại về một bài thơ
Hữu Loan

Hồi ấy vào đầu năm 1955. Tôi lúc ấy là cán bộ biên tập báo Văn nghệ ở Hà Nội. Tôi được cử đi cải cách ruộng đất ở xã Tứ Kỳ, Hải Dương. Cán bộ ai cũng “được” đi cải cách. Đấy là một vinh dự vì “chưa qua cải cách thì chưa thể làm người được".

Ngoài việc đi để làm người, tôi còn có nhiệm vụ viết bài cho báo. Theo tinh thần trong những buổi học tập trước khi đi thì nông dân được phát động vô cùng vui sướng phấn khởi. Ngay cả giai cấp địa chủ là có tội mà cũng không oán Đảng vì Đảng rất công minh. Nhưng thực tế thì khác nhiều. Địa chủ không dám oán đã đành nhưng nông dân, chính nông dân thì lại kêu ca rất nhiều về những hành động của anh em cốt cán, nhất là những gia đình liệt sĩ lại càng bị sách nhiễu hết mức như thu gian thuế, hay bắt phải làm cơm rượu cho hàng chục người ăn thì mới cho người đem giúp đến kho độ 5 yến thóc… Họ đều kêu là bao nhiêu từng áp bức, kêu trời, trời xa, kêu Bác Hồ còn cao hơn trời…

Tôi bèn làm một bài thơ gửi về tòa soạn.

Ngày hôm sau tôi nhận được điện khẩn của anh Xuân Diệu: “Hữu Loan về tòa soạn ngay!”. Chai lì như tôi mà vẫn thấy lo lắng. Vừa về gặp anh Xuân Diệu tôi hỏi ngay:

“Cái gì đấy anh? Lành hay dữ?”

Xuân Diệu trấn an ngay:

"Bài thơ hay quá!"

Tôi không khỏi lạ. Hay sao lại phải điện khẩn về, ai mà không khỏi hoảng.

“Nhưng phải sửa một câu thì mới đăng được.”

Tôi vội hỏi:

“Câu nào?”

“Câu: Cụ Hồ như trời cao / Kêu làm sao cho thấu!"

Tôi hơi bực:

“Đăng thì đăng cả, bỏ bỏ cả, cả bài tôi chỉ thích có câu ấy.”

Một lúc rồi Xuân Diệu mới rủ rỉ như tâm sự:

“Để câu ấy thì ra Bác kính yêu của chúng mình lại xa quần chúng à?”

Tôi khẳng định:

“Bác là thánh là trời thật, nhưng khi có những người cản mắt Bác thì Bác thấy quần chúng làm sao được. Chính những người như anh đang che mắt Bác đấy. Làm như tôi, lại không che. Tôi đề nghị anh thỉnh thị Bác, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về bài thơ này.”

Tôi không hiểu anh Xuân Diệu có dám thỉnh thị Bác không, nhưng bài thơ của tôi không được đăng. Tôi chắc lý do không đăng là vì Bác lúc nào cũng quan tâm đến quần chúng, khi quần chúng khổ đã phải thét lên thành tiếng thì Bác không thể nào bình tĩnh được.

© 2007 talawas

________________________

[1]Ông gửi thư cho tên Bang tá ở huyện, vận động quan quân ở huyện hàng Việt Minh, không mất một viên đạn (theo lời kể của con trai út ông là Nguyễn Hữu Đán trước mặt ông).
[2]Ông cho biết là chính ông đi hỏi vợ cho tướng Nguyễn Sơn.
[3]Bà Phạm Thị Nhu, vợ ông, kể trước mặt ông một số chi tiết sau: "Khi ông nhà tôi quyết định bỏ về quê, gia đình rất túng bấn, bản thân tôi phải may khâu kiếm thêm. Lúc ấy ở quê lại đang chuẩn bị lên hợp tác xã, ông nhà tôi chỉ băn khoăn là về quê vợ con sẽ khổ, song ông bảo tôi: ‘Thôi thì bà với các con chịu khổ để cho tôi được sống lương thiện. Tôi mà chịu khó hót thì nhà lầu xe hơi sung sướng đấy, nhưng tôi không làm được.’ Ông ấy viết 4 lá đơn xin về, trong vòng hai năm mới được giải quyết. Lần cuối còn có hai anh cán bộ đến nhà vận động ông ở lại. Họ nói từ sáng đến trưa, ông bèn cầm cây bút lên bẻ làm đôi, bảo: ‘Làm cán bộ, làm nhà văn khó lắm. Viết vừa lòng nhà nước thì dân chửi cho, viết vừa lòng dân thì có thể đi tù như chơi. Thôi tôi về đi cày.’ Hai anh ấy lại nhờ tôi khuyên ông. Tôi bảo: ‘Nhà tôi đã quyết thì không ai nói được đâu.’ Chúng tôi nuôi 10 đứa con khôn lớn thật vô cùng vất vả. Ông nhà tôi đi thồ đá, tôi làm 2 sào ruộng, lại xay bột làm bánh bán ở chợ. Hôm nào bán ế là gánh về một gánh nặng, cả nhà ăn trừ bữa. Tôi cứ xào một xoong to toàn các thức rau, các con đi học về là nhào vào múc ăn thay cơm. Ba đứa trai lớn thì hàng ngày phải dậy từ 3 giờ sáng, kéo 3 xe chuyến xe cải tiến chở đá từ trên núi xuống hồ cách 2 cây số, bán cho các thuyền rồi mới ăn vội bát cơm độn để chạy bộ 7 cây số đi học."
[4]Chú thích của talawas: Tên bài viết này của Nguyễn Hữu Đang là “Cần phải chính quy hơn nữa”, đăng trên Nhân văn số 4, ở vị trí xã luận, trang 1 và trang 2, ngày 5.11.1956
[5]Chú thích của talawas: Tên bài hồi ký này của Hoàng Cầm là: “Tiến tới xét lại một vụ án văn học: Con người Trần Dần”, đăng trên Nhân văn số 1, trang 2 và trang 4, ngày 20.9.1956
[6]Chú thích của talawas: Truyện ngắn “Thi sĩ máy” của Châm Văn Biếm, Nhân văn số 5, trang 3 và trang 4, ra ngày 20.11.1956
[7]Chú thích của talawas: Truyện ngắn này đăng trên Nhân văn số 4, trang 3, ngày 05.11.1956

Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ

Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ. (Không biết là điềm may hay điềm gở nữa)

Khi tỉnh dậy người em ướt đẫm. (Không biết là mồ hồi hay nước đái nữa)

Em mơ thấy mình đang lạc vào một cõi lạ, đen như hũ nút. Dùng chiếc điện thoại Sony Erricson giá 5 triệu rưỡi làm đèn pin, em lần mò trên con đường nhỏ.

Con đường rất dài và xung quanh phủ đầy cây cối, Thỉnh thoảng có những tiếng côn trùng kêu ri rỉ, tiếng dơi ăn đêm kêu chít chít, tiếng thảo quả rụng nghe lộp bộp.

Điện thoại của em yếu pin nên không nhìn xa được. Em chỉ biết bước những bước nặng nề, chờ đợi,.... bước những bước nặng nề, và chờ đợi....

Có tiếng "tủm" vang lên, xa xa nơi trước mặt. Chắc là có con nhái bén nào vừa nhảy xuống mặt hồ.

Không khí rất tĩnh mịch, thỉnh thoảng từng cơn gió rít qua kẽ lá, làm người run lên, không phải vì lạnh, mà vì sợ hãi và cô đơn.

Đột nhiên, có vừng sáng rọi qua kẽ lá, nó bay rất nhanh rồi dừng lại trên đỉnh đầu em. Trăng! Chưa bao giờ trăng tròn và đẹp thế...

Ánh trăng sáng đủ để nhìn đường, em gập nắp điện thoại và bỏ vào túi.

Bây giờ em mới có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nơi đây.

Một thế giới hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn hoang sơ, hoàn toàn tĩnh mịch. Mình là người đầu tiên và chắc cũng là người cuối cùng đặt chân đến mảnh đất này...

Và đột nhiên, em thấy.. Bác ngồi đó, dưới gốc cây sồi lá xum xuê rậm rạp.

Vậy hóa ra mình là người thứ hai!

Em tiến lại gần Bác. Trời ơi vị cha già kiêm người con xuất sắc của dân tộc Việt Nam, Bác giản dị quá, với chiếc áo Kaki mặc mười năm không rách và đôi dép cao su đi mười năm chẳng mòn.

- Bác!
- Cháu!
- Bác là... Bác Hồ thật sao?
- Cháu là... cháu là ai ấy nhỉ?
- Cháu không biết nữa. Lúc chiều nay cháu còn tên là Do nhưng bây giờ thì cháu không chắc lắm!
- Ngồi đi - Bác nói và em ngồi xuống một chiếc rễ lớn cạnh đó.

-------------------

- Đây là đâu?
- Xã hội cộng sản khoa học!
- Đẹp quá! Không ngờ nó có thật trên đời, vậy con người đâu?
- Chết hết cả rồi! Con người đã diệt vong để tiến lên cái xã hội này đây.

Trời ơi....! Con người đã diệt vong rồi ư? Trời ơi.....! Xã hội cộng sản đây ư?

Một phút yên lặng não nề....!

- Vậy tại sao bác ở đây?
- Chuyện này - Bác trầm ngâm hồi lâu rồi thở dài - dài lắm, cháu biết không? Mỗi con người đều có những ước mơ, và đó là thế giới riêng của họ. Khi chết đi linh hồn họ sẽ được sống về nơi đó.....
... Ta tin vào xã hội cộng sản, ta ước ao được sống trong xã hội cộng sản, vì thế khi qua đời linh hồn ta được sống về nơi đây. Ở đây không những có ta, mà linh hồn các cụ Các Mác, Enghen, Lênin, Mao Khựa, Kim Hàn, rất nhiều rất nhiều linh hồn những con người đã từng mơ ước cái xã hội này đều đang tồn tại ở đây.
.... Bây giờ những linh hồn ấy đang ngủ, khi sáng dậy họ lại kéo nhau ra "đấu tranh giai cấp" cả ngày...

- Họ có được đầu thai không?
- Chừng nào họ còn tin vào xã hội nơi họ đang tồn tại thì họ không được chuyển kiếp. Còn ta? Ta đã không còn tin vào nó nữa rồi. Ta muốn con người có thêm cơm ăn, có thêm áo mặc, trẻ em đều được đến trường, người già đều được phụng dưỡng, ta muốn con người sống làm chủ xã hội, chứ không phải bị xã hội làm chủ. Nhưng ta không ngờ cái xã hội ấy, cái giấc mơ ấy đẩy con người đến chỗ như thế này.
- Vậy là Bác còn có thể đầu thai?
- Đúng thế! Nhưng phỏng có ích gì? Ta muôn kiếp làm chính trị, vạn kiếp làm người Việt Nam. Hai cái đó khó dung hòa quá, nên ta ở lại đây. Chừng nào con người Việt Nam được thoải mái tham gia chính trị thì ta sẽ đầu thai chuyển kiếp. Bây giờ ta mà làm người Việt Nam thì ta sẽ phải tham gia chính trị, mà như thế ta sẽ vào tù. Vào tù Việt Nam thì khổ lắm. Bút không có, giấy không có thì ta biết viết "Việt Nam chi ngục trung nhật ký" vào đâu? Sống như thế đừng sống còn hơn.

...

- Đây là xã hội cộng sản khoa học ư? Nó có gì giống với trong sách thánh hiền nói đâu?
- Sao lại không? Này nhé Các Mác nói trong xã hội CSNT, không còn giai cấp nữa, không còn nhà nước nữa. Thử hỏi bây giờ con người chết hết cả rồi thì giai cấp vào đâu? Nhà nước vào đâu?
... Các Mác bảo trong xã hội này thế giới chung một mái nhà! Thì đúng rồi, mái nhà-không-có-ai-ở.
... Các Mác bảo trong xã hội này con người "làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu". Hai cái đó đều bằng không thì chẳng đúng hay ru?
... Lê nin bảo xã hội này "dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản", thì đúng quá rồi. Làm gì còn dân đâu mà chủ?
... Lê nin nói trong xã hội này không còn trộm cắp, không còn giết người, không có hút hít, mãi dâm, ết, si đa, lậu, giang mai,.. các loại tệ nạn xã hội. Thì cháu cứ xem thử xem có đúng hay không?
Chung quy lại thì đây chính là xã hội cộng sản khoa học không sai một ly.

...

- Vậy tức là cháu đã chết rồi sao? Nhưng cháu có yêu quý gì cái xã hội này đâu mà lại sống về nơi này?
- Cháu chưa chết đâu, cháu chỉ đang nằm mơ thôi. Bác muốn nhắn cháu về nói với những ai đang nằm mơ về cái xã hội cộng sản khoa học này một tiếng: là đừng có ảo tưởng nữa, sẽ làm hại mình, hại con cháu mình đấy, vì ai còn tin vào cái xã hội này thì chết đi sẽ sống về nơi đây. Suốt ngày bị đấu tố, chỉ điểm, chửi bới, nhục mạ, "đấu tranh giai cấp" khổ lắm cháu ơi.

...
Suốt thời gian còn lại, em và Bác nói về thơ từ ca phú, về thư pháp, về văn hóa Việt nam. Bác tỏ ra khi vui, khi buồn...

Đột nhiên...

-- Ò Ó O
-- Tiếng gà!
-- Tiếng gà!
-- Giục quả na
-- Mở mắt
-- Tròn xoe.
-- Giục hàng tre
-- Đâm măng
-- Nhọn hoắt.
...
-- Giục Các Mác, Lênin
-- Giục Mao khựa, Kim Hàn
-- Đấu tranh
-- Giai cấp...

Bác bảo em:

- Cháu nên về ngay đi, vì nếu họ mà bắt được cháu sẽ quy cho cháu tội "địa chủ cường hào" mà chôn sống cháu đó. Cháu cứ men theo con đường lúc mới vào, rồi sẽ thấy một cánh cổng. Cháu đi qua đó sẽ được về nhà. Nhớ nhắn giùm bác những gì bác nói nhé...

Em cắm đầu cắm cổ chạy miết, vừa hay khi em đã chạy vòng qua một tảng đá lớn rồi, thì thấy có tiếng của "đội truy lùng địa chủ phong kiến":

- Ông HỒ!
- Ông ở đây nói chuyện với thằng nào?
- Có phải ông đang liên lạc với bọn tư bản phản động quốc tế không?
- Chừa cái thói bóc lột đi này!
- Chừa này, chừa này...

--------HẾT--------

Tiếu lâm thời cộng hòa dân chủ Đức

Gửi bởi: Dingo, thành viên x-cafevn.org

Honecker muốn biết dân tình sống ra sao bèn gõ cửa một nhà nọ. Cậu nhỏ trong nhà nghe tiếng gõ cửa bèn ra mở, thấy Honecker cậu liền hỏi: "Ông là ai vậy?" Honecker liền trả lời: "Bác là người luôn chăm lo cho gia đình cháu. Nhờ có bác mà nhà cháu có TV, có thức ăn, thức uống đầy đủ..." Nghe vậy cậu nhỏ liền quay vào trong nhà và la lớn: "Mẹ, mẹ, bác Peter ở Bonn đến thăm nhà mình này."

============

Honecker đi thăm Tây Đức trở về. Đến Berlin vào chập tối thấy đèn đường sáng trưng chẳng một bóng người. Đi một vòng qua các cơ quan thấy đèn vẫn sáng mà chẳng có ai ở trong. Hơi ngạc nhiên Honecker bảo lái xe đi ra phía bức tường Đông Tây xem sao. Khi đến nơi thấy có một lỗ hổng rất to, Honecker bảo dừng xe và tiến lại gần để xem. Đển nơi thấy bên cạnh lỗ hổng có dán một mảnh giấy với dòng chữ: "Honecker, cậu là người cuối cùng chui qua đây. Khi đi nhớ tắt điện nhé."

=============

Một công dân cộng hòa dân chủ Đức định đi mua giầy nhưng lại vào nhầm cửa hàng bán thịt. Vào tới nơi không thấy có giầy anh ta liền hỏi ông chủ tiệm: "Ở đây không có giầy à? Ông chủ tiệm trả lời: "Không có giầy là nhà hàng bên cạnh, còn đây là không có thịt"

=============

Một ông nọ vừa đi ngoài đường vừa la lớn đ! t mẹ cái nhà nước thối tha. Một cảnh sát nghe thấy vậy liền chặn người đàn ông lại và mời về đồn. Người đàn ông không chịu với lý do: "Tôi chẳng nói tên nhà nước nào cả, anh không có quyền bắt tôi". Thấy không cãi được công an đành để ông ta đi.

Ngày hôm sau lại cũng trên quãng đường ấy, lại những câu chửi như vậy. Lần này đồng chí công an thái độ rất dứt khoát: "Anh không lý sự nhiều, về đồn ngay. Từ hôm qua đến giờ tôi đã đi hỏi khắp mọi nơi, và được biết thế giới này chỉ có một nhà nước thối tha thôi."

=============

Hồi xưa, đã lâu thủ tướng CHLB Đức (Tây Đức) Brandt vả tổng bí thư CHDC Đức (Đông Đức) Ulbricht có một buổi gặp gỡ. Sau các cuộc hội đàm chính thức hai người có buổi trò truyện thân mật. Ulbricht hỏi Brandt: "Không biết ngoài công việc ra bác có sở thích riêng gì?" Brandt trả lời: "Tôi thường tìm gom tất cả các tiều lâm kề về tôi". Thế còn bác, Brandr hỏi lại. Ulbricht: "Sở thích của tôi cũng gần như của bác, tôi tìm gom tất cả những người kể chuyện tiếu lâm về tôi."

=============

Bé Fritz hớn hở từ trường trở về nhà. "Ba ơi, ba! Hôm nay viết tập làm văn về thành tựu vĩ đại của nước cộng hòa dân chủ Đức" - "Thế à, Thế được mấy điểm?". Bài của con hay nhất lớp, Cô giáo cho 4 điểm (điểm thấp nhất là 5). Ông bố thẫn thờ." Hả, bốn điểm? Bài hay nhất lớp mà chỉ được bốn thôi à? Thế còn các bạn khác, chúng viết như thế nào?". "Con cũng chẳng biết nữa, chúng nó bị CA mời đi hỏi cung đến nay vẫn chưa về"

=============

Liên hợp quốc kêu gọi các nước thành viên mở chiến dịch xuất bản sách nhằm kêu gọi tăng cường bảo vệ Voi là giống co nguy cơ diệt chủng.

Kết quả các nước thành viên đã cho ra những sách sau:

Mỹ:

1 tập: "Giá trị thương mại của Voi"

Pháp:

Tập 1: "Những điều cần biết về voi cái"
Tập 2: "Những điều cần biết về voi đực"
Tập 3: "Đời sống tình dục của voi."

Liên xô:

Tập 1: "Voi trước cuộc cách mạng tháng 10 vĩ đại"
Tâp 2: "Voi sau cách mạng tháng 10 vĩ đại"
Tập 3: "Lê nin và voi"
Tập 4: "Voi từ sau đại hội đảng lần thứ 27 đảng cs Liên xô"

Cộng hòa dân chủ Đức (DDR)

Tập 1 đến 4: "dịch nguyên văn từ bản tiếng Nga"
Tập 5 đến 9: "Nghiên cứu và học tập kinh nghiệm đạt được từ các nghiên cứu về voi tại Liên xô"
Tập 10: "Các quy luật kinh tế cơ bản và voi"
Tập 11: "Lòng yêu nước xhcn từ góc nhìn của voi"
Tập 12: "Voi-DDR, người bạn, người đồng chí trung thành và vô cùng thân thiết của voi Liên xô"

Bài học tư tưởng

Gửi bởi: Anhoang_xeom, x-cafevn.org

Trước khi bắt đầu, phải làm một quả mào cho hoành tráng.

Bác Hồ không có sai đâu
Bi giờ ta sẽ bắt đầu làm thơ


Các bác ở các nước miền Nam miền Trung hay hải ngoại có biết một loại quả rất chua tên là quả sấu? Nói thế này hơi kỳ thị, nhưng cứ phải thế cho nó chia rẽ. Đàng nào thì dân tộc chúng ta cũng đã rất đoàn kết cả nửa thế kỷ nay rồi. Cây sấu có mặt ở hầu khắp các con phố cũ Hà Nội, chẳng cần chăm bón, và cứ đến hè là trổ ra những chùm quả xanh ròn chua rát lưỡi ăn rất tởm. Dưng mà cái quả sấu đó nấu canh thịt nạc thì lại ngon cực. Thật là cáu tiết khi phải thú nhận món canh đó ngon cực, ăn không tởm tí nào.

Trung Tướng gốc gác là thằng dân tỉnh lẻ nhập cư Hà Thành từ thế kỷ 9 (!@#$ trước khi bác Lý Thái Tổ rời đô về Hà Nội, thế mới đểu), nhưng cũng lây cái sở thích chó chết của dân Hà Nội xịn, là thích ăn canh sấu.

Mùa hè thì không sao, sấu nhiều vô tư. Hai ngàn một cân ăn nhòe nhoẹt. Dưng đến mùa đông thì có chuyện, đào đâu ra sấu cho bà già nấu bát canh thăn lợn với cả hành tươi và mùi tàu? Chó thế chứ.

Bỗng dưng mùa đông năm rồi Trung Tướng gặp một thằng cha già lão cũng Hà Nội gốc tỉnh lẻ bán sấu ở chợ tạm gần nhà. Hắn ta bán sấu tươi giữa mùa đông. Chua tuyệt. Ăn vẫn rất tởm như sấu mùa hè. Hắn ta nói đó là sấu chiêm. Mua liền hai cân, giá mười ngàn một cân. Canh thịt hôm đó ăn vẫn rất ngon, không tởm tí nào.

Thế là thành khách quen của thằng bán sấu.

Một bữa lân la Trung Tướng mới hỏi làm sao bác có giống sấu trái mùa này thế? Hắn mới kể lể dài dòng đại khái rằng:

Tôi đọc ông Mít Xu Ri, bác học trồng cây bên nước Nga vĩ đại, thấy bảo cứ mười chọn một thì nhất định sẽ ra giống cây như ý. Thế là tôi quyết định chọn cây sấu ra quả muộn nhất trong vườn nhà mình làm thí nghiệm. Tôi lựa 10 quả sấu muộn nhất trên cây đó, ươm hột gieo 10 cây sấu non. Sau 8 năm cả 10 cây đều ra quả chua, ăn rất tởm. Tôi lại chọn tiếp 10 quả ra muộn nhất trên cây sấu trổ muộn nhất trong số 10 cây, ươm hột gieo 10 cây sấu non khác. Sau 9 năm nữa cả 10 cây này cũng đều ra quả, ăn cũng rất tởm...

Trung Tướng mới chen ngang hỏi bác quay vòng mấy lần như thế thì được giống sấu ra quả vào mùa đông này, bác thật giỏi giang, thật kỳ công, để cháu viết bài đăng báo, nhá, nhá? Tay bán sấu lại kể lể dài dòng đại khái rằng:

Tôi ươm sấu hai lượt hết 17 năm thì có giống sấu ra quả muộn hơn 2 tháng. Cố tới năm thứ 31 thì được giống sấu ra quả muộn 3 tháng, tức là vào khoảng tháng 10 ta, tức tháng 11 tây. Tôi gọi nó là sấu chiêm. Mọi sự có vẻ tốt đẹp y như bác học Mít Xu Ri dạy nếu tôi cố thêm chục năm nữa, thì đùng một phát, cách đây dăm năm thằng con tôi đi chơi Thái Lan mang về cho tôi một túi sấu tươi đúng dịp tết. Tôi không ăn mà đem cả ra vườn ươm luôn. Ba năm sau loại sấu Thái đã ra quả to tướng. Quả thì cũng chua như sấu ta thôi, ăn rất tởm. Đúng như vậy. Tôi gọi luôn giống sấu Thái đó là sấu chiêm cho tiện. Chả gì thì mình cũng cố với nó hơn ba chục năm giời.

Hắn kết luận, mình cứ đi đúng như các bác bên Nga dạy thì thể nào cũng tới đích, mà lại vinh dự tự hào vì mình là thằng đầu tiên thành công theo cách đó, nhưng mà tự dưng có bọn tư bẩn Thái thối nát nó xọc vào tiến trình lịch sử, làm thành tích của mình kém vang dội đi nhiều. Chó thật.

Đúng là chó thật.

Một chuyến thăm và chúc Tết dương lịch 2007 đáng buồn !!!

Chúng tôi là những công dân Việt Nam có đôi lời phản ánh về thái độ của Công an CSVN thiếu văn minh và ít văn hóa.



Hôm nay là ngày tết dương lịch 01/01/2007 vào lúc 11 giờ 30 phút. Chúng tôi đến thăm và chúc tết nhà Báo Nguyễn Khắc Tòan và có nhã ý mời anh dùng cơm trưa cùng với chúng tôi nhân dịp năm mới 2007 vừa đến. Nhưng khi đến nơi chúng tôi nhìn thấy ở ngay trước cửa nhà Báo Nguyễn Khắc Toàn đặt một chốt gác có 5 Công an mật vụ mặc thường phục ngồi canh gác, nhằm ngăn chặn tất cả mọi người đến thăm nhà Báo Nguyễn Khắc Toàn. Ngay lối cổng ra vào có đặt một biển cấm viền ngoài màu đỏ trong giữa nền trắng có ghi những dòng chữ tiếng Anh dịch nghĩa là khu vực nguy hiểm cấm người nước ngoài. Điều này đã làm chúng tôi rất khó chịu. Vì công an CS Hà nội giờ đây họ quá trơ trẽn và lộ liễu không còn vẻ kín đáo như mọi lần trước đây nữa. Thấy vậy chúng tôi không vào nhà nữa, mà điện thoại mời nhà báo Nguyễn Khắc Toàn ra quán nước, cách trạm gác của Công an CS khoảng 20m để anh được tiếp chuyện chúng tôi. Chuyến viếng thăm và chúc tết nhau của anh và chúng tôi đã ăn mừng ngày đầu tiên của năm mới dương lịch trong một hoàn cảnh rất đặc biệt và mộc mạc. Đó là thay vì cuộc trò chuyện hàn huyên được diễn ra ngay trong phòng khách lầu 2 tư gia nhà anh tại số 11 Ngõ Tràng Tiền Hà nội, thì nay buổi tiếp đãi đó lại được diễn ra ngay bên lề đường cũng của con ngõ nhỏ nơi gia đình anh cư trú, với một ấm trà nóng, hơn 1 chục quả cam và 1 ít hạt bí ngô đã rang của vợ chồng già chủ quán nước nghèo cũng là hàng xóm nhà anh.

Vậy mà nào có yên thân cho cam. Khi chúng tôi cùng anh ngồi được hơn 1 giờ đồng hồ, thì chỉ huy của bọn họ đã đến sách nhiễu trắng trợn đuổi chúng tôi đi Họ còn buộc nhà báo Nguyễn Khắc Toàn phải trở về nhà ngay lập tức với thái độ hằn học, trịch thượng.Một sĩ quan có vẻ là cấp chỉ huy đã ra tận nơi chúng tôi ngồi ra lệnh cho chúng tôi phải giải tán với những lời lẽ tục tĩu thô bỉ. Trong khi đó anh Toàn đáp lại rất ôn tồn và bình tĩnh: “Hôm nay là ngày tết dương lịch 2007 mấy cô này là những công dân người miền Nam ra Hà nội khiếu kiện muốn đến nhà thăm và chúc tết tôi.Nhưng các anh lập chốt canh gác không cho vào nhà thì tôi phải xuống phố tiếp khách ngoài đường chứ có vi phạm gì đâu? Các anh muốn tôi đến chốt canh gác ngồi nói chuyện thì để tôi tiếp xong mấy cô này rồi sẽ đến chỗ các anh sau nhé.” Chẳng đợi anh Nguyễn Khắc Toàn có mời và đồng ý hay không thế là 2 mật vụ của sở công an Hà Nội cứ xà vào tự nhiên như ruồi ngồi chung luôn với chúng tôi cũng trò chuyện. Thấy thế lần lượt các chị Huần quê Vĩnh Phúc lôi hồ sơ khiếu kiện tố cáo chính quyền CS địa phương cướp đất, cướp nhà hành hung cả 3 mẹ con ra cho viên sĩ quan xem.Chị đưa cả hình ảnh chụp cảnh bị đánh mắt sưng vù mà chị khẳng định là công an Việt nam là thủ phạm cho mọi người và cả viên mật vụ an ninh xem… Rồi chị còn đưa ra cả bản hồ sơ khiếu nại tố cáo đòi công lý của chị hơn mười năm nay có bút phê của chủ tịch quốc hội CSVN Nông Đức mạnh ra để minh chứng cho nỗi oan khuất của một nữ cựu thanh niên xung phong, cựu bộ đội đường mòn Hồ Chí Minh là bản thân chị hồi mấy chục năm về trước. Và giờ đây gia đình 3 mẹ con chị bị chính cái nhà nước mà chị đã đóng góp một phần xương máu xây dựng nên từ CS địa phương đến CS trung ương tối cao bạc đãi. Gia đình 3 mẹ con phải lang thang kiếm sống bằng đủ nghề hơn 14 năm qua ở Hà nội và tiếp tục khiếu kiện tại Mai Xuân Thưởng không biết đến bao giờ ??? Trong buổi trò chuyện ngày đầu năm với mấy chị em dân oan chúng tôi, anh Toàn cho biết bắt đầu từ sáng sớm lúc 6 giờ 30 phút sáng qua tại trước nhà anh, công an 3 cấp của TP Hà nội đã lập lại chốt canh gác như họ đã lập khi diễn ra cái hội nghị APEC tai tiếng do đàn áp và khủng bố hồi giữa tháng 11/2006.

Sáng hôm qua sư cô Thích Đàm Thoa vừa từ Bắc Giang về Hà nội đã ghé vào thăm ông Toàn liền bị công an ngăn cản không cho gặp.Tốp công an làm việc đã đe doạ mời sư cô về đồn thì bị nhà sư phản đối kịch liệt “Các ông không thể cấm các công dân VN đi thăm viếng lẫn nhau. Hiện nay ông Nguyễn Khắc Toàn là công dân hợp pháp đang sống giữa xã hội đàng hoàng. Đến ngay cả khi ông ấy bị nhà nước bỏ vào tù còn được vào thăm nữa là như bây giờ!!!” Trước sự trả lời và lập luận như thế tốp công an không thể nói được gì đành để nhà sư đi và ông Toàn nghe thấy to tiếng cũng mở khoá xuống tận cầu thang dưới mặt đất để tiễn nhà sư Đàm Thoa ra về.

Cũng trong ngày đầu năm nay chị Bùi Kim Ngân vợ nhà báo Nguyễn Vũ Bình, một tù nhân lương tâm đang còn bị nhà nước CSVN giam cầm đã cùng cô con gái đến thăm anh Nguyễn Khắc Toàn cũng đã bị tốp công an canh gác chặn lại không cho gặp buộc chị phải trở về. Và chỉ đến khi từ nhà riêng chị Ngân gọi điện thoại cho chú em ruột anh Toàn là Nguyễn Xuân Phúc thì lúc đó cả nhà và anh Toàn mới biết sự tình….

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao nhà cầm quyền CSVN lại lập chốt canh gác trở lại với các nhà tranh đấu dân chủ tiêu biểu vào những ngày cuối năm 2006 và dịp Tết dương lịch 2007 như thế ? Thật dễ ràng trả lời, vì trong tính toán của đảng CS và nhà nước VNCS của họ cho rằng đây có thể là dịp các nhà báo các nước Âu -Mỹ đang thường trú, hoặc các nhà ngoại giao của các toà đại sứ, các tổ chức quốc tế có đại diện tại Hà nội sẽ ghé thăm các nhà bất đồng chính kiến tên tuổi và chúc mừng họ. Do đó việc nhà cầm quyền CS Hà nội đương nhiên phải tìm cách ngăn chặn là ắt phải xảy ra.

Té ra qua việc này nhà nước CSVN đã minh chứng cho toàn thế giới cùng cả nhân loại tiến bộ biết rõ rằng : Việc họ phải dấn tấm thân cùng bộ mặt vốn quá lem luốc về thành tích nhân quyền và tự do tôn giáo để hội nhập vào sinh hoạt với đời sống của cả loài người văn minh và tiến bộ quả thật chỉ là một sự miễn cưỡng rất khó chịu, và đó là tình thế bắt buộc họ phải bước chân vô mà thôi. Và họ cũng chẳng mặn mà gì với cuộc hành trình tiến bộ, nhưng đầy lo sợ ấy đang ngày đêm chỉ tổ đem lại thêm nhiều đe doạ làm lung lay chiếc ghế đầy quyền uy và béo bở mà họ đã độc chiếm mấy thập kỷ qua nhờ vào bạo lực và bưng bít thông tin dân chúng trong nước.

Nghĩ cũng thật đáng buồn vì bọn họ, chỉ vì lo bám giữ vào chiếc ghế quyền lực độc tài mà không nhận ra mình đang u mê và hành động một cách ngu xuẩn với nhân dân. Còn đối với đám công an đang phải đi làm cái nhiệm vụ canh chừng tư gia các nhà tranh đấu dân chủ thì họ có còn nhớ chăng, là một trong sáu điều mà ông Hồ Chí Minh đã dạy bọn họ là đối với Nhân dân phải kính trọng lễ phép thế mà cũng đã quên rồi. Họ đã ngoan cố đi ngược lại lòng dân và đã cố tình vi phạm nhiều điều khoản sơ đẳng tối thiểu của Hiến pháp và Luật pháp nước CHXHCN Việt Nam. Vậy cho đến khi nào nước Việt Nam mới thật sự có đuợc một xã hội công bằng – Dân chủ - Văn minh !!!???

Hà Nội, ngày 01/01/2007

_____________

Ghi nhanh của các công dân Việt Nam

Vũ Thanh Phương - Số 182 - ấp Bình Xuân I – xã Xuân Phú - Huyện Xuân Lộc - tỉnh Đồng Nai. Mobi: 0986 138 262

Lê Thị Kim Thu – Khu phố 2 - Thị trấn Vĩnh An - huyện Vĩnh Lộc - tỉnh Đồng Nai

Nguyễn Thị Thu Hằng - Ấp 3 – Xã An Phước - Huyện Long Thành - Tỉnh Đồng Nai

Đỗ Thị Huần – quê Vĩnh Phúc đang tạm trú tại nhà trọ sau trưòng trung cấp Y tế bãi Phúc Xá chân cầu Long Biên quận Ba Đình Hà Nội.

Trong ảnh minh hoạ bài báo này của nhóm dân oan chúng tôi là các chị các, các cô có tên tuổi nói trên trong bài viết đang cùng anh Nguyễn Khắc Toàn đón chào năm mới 2007 bên quán trà ngoài đường thuộc Ngõ Tràng Tiền vị trí đối diện với nhà số 6 &7 cùng ngõ phố. Còn phía xa cách đó chừng hơn 20m dưới mái hiên che di động tại số nhà 15 cùng ngõ của quán Bún Chả Nem Rán+Bia hơi là chốt canh gác của công an Hà nội đặt trước nhà anh Toàn.

Gửi Seito: Người yêu của bạn - Người yêu của tôi

Hi Seito,

Từ hôm đọc bài tình yêu đảng của bạn, cũng đã định có vài lời nhưng loay hoay mãi đến bây giờ mới viết được. Đọc bài của bạn biết bạn rất nặng tình với đảng, những dòng chữ viết ra về đảng chẳng khác gì lời âu yếm của một chàng trai đối với một cô gái mà mình ngưỡng mộ. Tình yêu bao giờ cũng đẹp và nên đựợc trân trọng. Hôm nay mình muốn nói với bạn đôi điều, cũng chỉ quanh chuyện tình yêu. Về tình yêu có lẽ chừng nào còn con người thì chừng đó người ta còn bàn luận. Bạn yêu đảng ư, đâu chỉ có mình bạn yêu, tình yêu là nơi người ta tìm thấy sự đồng cảm, tìm thấy sự thương yêu, tìm thấy những gì hấp dẫn và mới lạ, âu cũng là chuyện bình thường. Ngay cả những tên tướng cướp, những kẻ sát nhân cũng vẫn có người yêu cơ mà.

Tôi cũng có một người yêu và tôi cũng yêu người đó nồng nàn như bạn vậy, có lẽ bạn cũng đã từng nghe qua tên người ấy. Cô ta (anh ta) có tên là TỰ DO bạn ạ. TỰ DO đặc biệt lắm, hầu như trên thế gian này ai cũng mến mộ cô ta (bạn đừng nhầm với laliberte ở diễn đàn này nhé, tuy cô ta cũng rất rất dễ thương). Ở nơi đâu vắng bóng cô ta, ở đó con người buồn thảm. Ở đâu không có cô ta ở đó ngự trị nghèo nàn, lạc hậu, chỗ đó sẽ là nơi trú ngụ của những tâm hồn tăm tối. Cô ta là nguồn sống, nguồn hạnh phúc, là khởi đầu của sự phát triển. Cô ta đẹp vậy, hấp dẫn vậy nên cũng có rất nhiều người muốn chiếm đoạt làm của riêng, dấu kín không cho người khác biết đến.

Người tôi yêu buồn cười quá bạn Seito nhỉ, ai lại yêu cái người mà toàn nhân loại đều yêu? Có thể bạn không tin, nhưng bạn hãy xem những lời sau đây của cụ Chủ Tịch ngày còn thanh niên để biết cụ cũng mê cô TỰ DO say đắm thế nào, những dòng tình cảm này được cụ trình bày tại hội nghị hòa bình Véc-xây (19.06.1919) và thường được nhắc tới với cái tên "Yêu sách của nhân dân An nam":

- Điều 1: Yêu cầu ân xá đối với tất cả chính trị phạm.

- Điều 2: Đòi cải cách nền công lý ở Đông Dương nhằm đảm bảo cho người bản xứ được hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người châu Âu.

- Điều 3: Tự do báo chí.

- Điều 4: Tự do hội họp.

- Điều 5: Tự do đi lại (xuất nhập cảnh), tự do cư trú.

- Điều 6: Tự do giáo dục, và được lập trường kỹ thuật, trường chuyên nghiệp tại các tỉnh cho dân bản xứ.

- Điều 7: Đòi thay thế chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật.

- Điều 8: Đòi có đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ cử ra tại Nghị viện Pháp.


Và có lẽ đây cũng là lý do chính tại sao dân ta đã đi theo tiếng gọi của cụ Chủ Tịch đấu tranh giành TỰ DO, nối tiếp truyền thống cha ông, không quản ngại hy sinh gian khó. Ngày ấy chắc chẳng có người dân nào nghĩ đến CNXH, nghĩ đến CNCS, nhưng TỰ DO và ĐỘC LẬP chắc ai cũng biết. Đất nước không có đảng vẫn là Tổ quốc nhưng đất nước không có TỰ DO sẽ không còn là Tổ quốc nữa. Cụ chủ tịch cũng đã từng nói: độc lập mà không có tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì.

Trong bài tỏ tình với đảng, một nguyên do của bạn yêu đảng bởi vì trong hàng ngũ của đảng có biết bao người đã hy sinh thân mình vì độc lập tự do cho dân tộc, độc lập tự do chứ không phải CNXH. Đối với những người này tôi cũng như bạn không hề nghi ngờ chút nào tấm lòng yêu nước của họ. Lòng yêu nước ở những con người bình thường đã hy sinh thân mình cho tổ quốc bao giờ cũng chân thật, không giả dối. Nhưng lòng yêu nước cũng là một trong những đặc tính dễ bị lợi dụng nhất ở con người. Không ai có thể không tin những Hồng vệ binh Trung quốc, khi chĩa súng vào đồng bào mình lại không nghĩ đó là hành động yêu nước. Những anh nông dân Nga thật thà chất phác khi lùa đồng bào mình vào những KULAG rất nhiều người nghĩ rằng họ đang vì Tổ Quốc. Những người tham gia đấu tố trong cải cách ruộng đất ở Việt nam cũng sẽ không bao giờ ân hận với những hành động của mình vì họ nghĩ đó là hành động yêu nước và được cả một đám đông nhiệt tình cổ vũ. Những kẻ sát nhân dưới chính thể phát xít tại Đức khi hành động họ cũng nghĩ mình vì Tổ quốc, vì dân tộc Đức. Những tên lính dưới thời Polpot tại Căm pu chia cũng vậy.

Hãy trân trọng với những con người yêu nước, nhưng hãy cảnh giác với những kẻ cai trị luôn lợi dụng lòng yêu nước cho những mưu đồ không mấy tốt đẹp. Lòng yêu nước ở người dân thường bao giờ cũng chân thật nhưng ở kẻ cai trị không hẳn lúc nào cũng vậy.

Uh, lại lan man quá rồi đang chuyện người yêu của bạn, người yêu của tôi lại nhảy sang lòng yêu nước thế có chán không chứ. Ta quay lại với bạn tình vậy.

Bạn rất tự hào và yêu quý người yêu, bạn nhìn thấy ở người mình yêu lúc nào cũng tỏa hào quang chiến thắng, ngọt ngào tình người, tình đồng chí, ai đang yêu mà chẳng vậy, vả lại bạn yêu chàng ta từ lúc chưa lọt lòng cơ mà. Nghĩ đến hạnh phúc của bạn tôi lại cảm thấy buồn cho hạnh phúc của mình. Vì sao yêu đảng là yêu Tổ quốc còn yêu TỰ DO là phản động? Không biết có bao giờ bạn nghĩ đến hạnh phúc của người khác không? Người ta cũng muốn yêu thiết tha như bạn. Có bao giờ bạn hỏi người yêu của bạn, tức là đảng, tại sao lại cấm người khác không được yêu người mà họ yêu. Có bao giờ bạn hỏi vì sao đảng lại đưa hình nộm giả TỰ DO để bắt người ta yêu còn TỰ DO đích thực thì đảng giấu biệt? Đến đây có thể bạn sẽ nói: chỉ có những kẻ bất mãn, điên cuồng chống đảng, thiển cận mới không nhận thấy đất nước ta từ khi có đảng tự do hơn vạn lần thủa trước. Buồn nhỉ, không hiểu sao cái tự do ấy tôi vẫn không thấy giống cái tự do mà tôi hằng mong đợi. Đối với tôi TỰ DO giống với những gì cụ Chủ Tịch gần 100 trước nêu ra hơn là những gì người yêu của bạn ngày hôm nay ban phát. Chẳng lẽ nàng TỰ DO từ khi có đảng đã thay hình đổi dạng? Hay là cụ cũng điên?

Còn gì sung sướng hơn khi mình yêu và được người mình yêu yêu lại. Quả thật là tôi ghen với bạn. Bạn có một người yêu thù lao hậu hĩnh cho tình yêu của bạn còn người yêu của tôi thì lại bị người yêu của bạn bỏ tù, lý do? không ai giải thích được tại sao, bạn có thể giải thích được chăng? Đọc thư tình của bạn nhiều lúc tôi tự hỏi không biết mình đòi đảng thả cô TỰ DO ra thì có gì ảnh hưởng đến Seito không nhỉ. Chẳng lẽ cô TỰ DO lại là một kẻ độc ác? Cụ Chủ Tịch anh minh và những người ngày đầu theo cụ có nhầm lẫn gì chăng?

Nghe như bạn nói người yêu của bạn nay đang lâm bệnh nặng. Mình cũng biết và rất thông cảm với nỗi lo của bạn. Bệnh của đảng đã có từ lâu lắm rồi, có lẽ vì quá yêu nên Seito không nhận ra đó thôi. Bệnh này tất cả các đảng cộng sản đều mắc phải, phần đông đã qua đời chỉ còn sống sót một số rất ít. Tình trạng sức khỏe của đảng, với phương pháp trị liệu chỉ bằng thuốc xoa bóp như từ xưa đến giờ không biết rồi sẽ tiến triển đến đâu. Các đảng đông Âu và Liên xô sở dĩ qua đời cũng chỉ vì không dám dùng thuốc đặc trị. Theo mình biết thì nàng TỰ DO giỏi lắm, bệnh của đảng vào tay nàng nhất định sẽ qua khỏi. Không biết Seito có dám khuyên đảng thả TỰ DO ra để TỰ DO chữa bệnh cho đảng không? Được như vậy thì mình cũng mừng vì được gặp lại người mình yêu và Seito chắc cũng mừng vì khả năng sống với một người yêu khỏe mạnh, trong sạch là hoàn toàn có thể.

Thấy trong thư Seito có vẻ bức xúc với sự kiện ngày càng có nhiều người chê trách đảng nặng lời. Ai thực lòng yêu, cũng đều xót xa như vậy cả. Nhưng cũng cần phải tỉnh táo để xem họ nói có lý không đã. Thiên hạ thường bảo khi yêu củ Ấu cũng tròn là do vậy. Chắc rằng Seito cũng không muốn sống với người có bệnh truyền nhiễm luôn giấu kín và không chịu chữa? Seito có lẽ cũng thường nghe những từ như: đảng ta vĩ đại thật, chủ nghĩa Marx Lenin là con đường tất yếu của dân tộc ta... và nhiều thứ lắm tuyệt vời lắm, nhiều thắng lợi vĩ đại lắm kể sao cho hết. Nhưng có bao giờ Seito nghĩ rằng giả như cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập thắng lợi, không phải do đảng cs lãnh đạo mà là một đảng dân tộc nào đó thì sự thể sau đó sẽ ra sao nhỉ? (tất nhiên đây cũng chỉ là một giả thiết còn thực tế vẫn là thực tế). Cứ thả cho trí tưởng tượng đi theo giả thuyết này ta sẽ thấy ngay rằng sẽ không có cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu đồng bào, sẽ không có cuộc chiến tranh ý thức hệ 20 năm tiếp theo với hơn 3 triệu người chết, đất nước tan hoang, lòng người ly tán. Sẽ không có trăm nghìn đồng bảo bỏ xác ngoài biển cả ( tôi gọi là đồng bào mặc dù đảng gọi họ là lũ phản bội tổ quốc). Người Việt sẽ không phải làm bảo tàng để tưởng nhớ thời bao cấp. Sẽ không được nghe những bài ca, những áng văn hoành tráng ca ngợi cuộc đổi mới bởi vì đương nhiên nó là như vậy, đương nhiên cánh cửa Viêt nam lúc nào cũng mở để giao lưu với bên ngoài. Mới đây trong mội buổi gặp mặt với sinh viên trường Luật ông Nguyễn Trần Bạt, một doanh nhân rât thành công trong thời kỳ đổi mới có nói rằng: "Ngoài cuộc Cách mạng Tháng Tám và cuộc Giải phóng Miền Nam ra, tôi chưa thấy việc gì hệ trọng hơn việc nước chúng ta gia nhập WTO. Đây là một quyết định chính trị vô cùng sáng suốt của những người lãnh đạo Việt Nam." Nếu quả đúng như vậy thì việc dẫn dắt nước ta đi vào con đường XHCN là một sai lầm vô cùng nghiêm trọng, mang tính lịch sử và đảng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Lại tiếp tục với giả thiết của ta, nếu ta không phải là một nước XHCN thì việc hội nhập là chuyện thường tình như 150 nước khác cũng đã từng làm chứ đâu có gì ghê gớm lắm. Chỉ có CNXH mới tách nước ta ra khỏi cộng đồng thế giới mấy chục năm qua, và giờ đây ta vui vì ta trở lại, nhưng cũng nên buồn vì đã hoang phí một khoảng thời gian quá dài cho những mơ mộng viển vông. Ta đã kết thúc "thắng lợi" một con đường vòng hơn 60 năm, nay ta trở lại với cộng đồng thế giới và là một trong những người đi sau cùng của đoàn người đó. Nghĩ vậy có thấy chua chát quá không, khi mà vẫn cảm thấy mình là anh hùng thời đại. Điều có lẽ đau đớn hơn cả là dân trí của chúng ta giờ đây lại còn thấp hơn sáu mươi năm trước nhiều lắm. Cách đây sáu mươi năm dân ta còn trong vòng nô lệ thế mà đã dám đứng lên tự làm chủ đời mình, chấp nhận bầu cử tự do, đa nguyên đa đảng không một chút băn khoăn. Tôi chưa hề nghe kể rằng người dân lúc đó lo sợ cảnh loạn lạc 12 sứ quân, đời sống bất an, trộm cướp hoành hoành khi có dân chủ, đa đảng. Không nghe thấy ai kể người thời đó họ lo các đảng phải chỉ mài dành dật miếng ăn, mưu lợi riêng cho mình như nhiều người ngày nay thường nghĩ về dân chủ. Ngày xưa đã thế nếu không có 60 năm giáo dục kiểu con người mới xhcn chắc rằng dân trí nước ta sẽ còn hơn hồi đó nhiều lắm. Nhiều khi mình cứ tự hỏi, chẳng lẽ 60 năm u mê, đi quanh đi quẩn không hề làm cho chúng ta phải suy nghĩ chút nào sao, khi vẫn thấy rất nhiều người hình như chưa cảm thấy tởn, họ vẫn rất còn hăng say với thiên đường mờ mịt.

Lan man nhiều chuyện quá. Người yêu của bạn, người yêu của mình. Trong con mắt của những người đang yêu, người yêu bao giờ cũng đẹp, chỉ có người ngoài cuộc mới thấy rõ mà thôi. Thôi mình kết thúc tại đây. Cũng còn có nhiều chuyện để nói, nhưng vì người yêu của chúng ta đều tham gia chuyện chính trị nhiều quá, cho nên đã nói về họ là lại phải nói đến chính trị, một đề tài chẳng mấy thơ mộng có phải không?

Hẹn bạn lần khác.

Người tài: Nên đánh phèn hay chặn cống?

tqvn2004, X-cafevn.org

Hôm trước tôi có đọc một bài báo nói về sáng kiến làm trong nước sông Tô Lịch. Phải nói bài báo làm tôi cảm thấy sửng sốt vì sự ấu trĩ của nó. Đại để là người ta dự tính chi 8 tỷ đồng cho việc "đánh phèn", làm lắng đọng tạp chất trong nước, rồi vớt chất lắng đọng; với mục tiêu là làm nước sông Tô Lịch trong sạch trở lại. Làm vậy chẳng khác nào mái dột lại đi chống thấm cho tường, hay viêm gan lại cho uống thuốc chữa bệnh vàng da!? Đặt vấn đề làm trong nước sông Tô Lịch nhưng cả bài báo không thèm đặt câu hỏi "Tại sao nước Tô Lịch lại đục?" hay "Những tạp chất nào khiến nước Tô Lịch có màu đen và mùi hôi thối?". Nếu không tìm đúng nguyên nhân căn bệnh, sẽ không có biện pháp hiệu quả để chữa bệnh. Nếu không ngăn được hàng vạn cống nước thải đổ vào sông Tô Lịch, không tìm ra chất ô nhiễm biến màu và gây mùi, đánh phèn phỏng có ích gì?

Các "sáng kiến" thu hút và sử dụng người tài ở Việt Nam hiện nay cũng từa tựa như sáng kiến làm trong nước sông Tô Lịch. Nói một cách khác, tất cả đều là mò mẫm, dẫn đến chệnh hướng. Lên Google kiếm với từ khóa "thu hút nhân tài", tôi nhận được 24,900 kết quả, với vô số những bàn cãi, tranh luận và sáng kiến lôi kéo và sử nhân tài của Đảng, Đoàn, chính quyền các cấp cho tới các Bộ ban ngành. Tựu chung lại có 3 nhóm chính:

1/ Bồi đắp nhân tài: Nào là gửi cán bộ đi du học, nào là xây trường đại học đẳng cấp quốc tế để cho ra lò những con người đẳng cấp quốc tế... Ừ thì giáo dục là điều tốt, những việc làm này không bổ ngang cũng bổ dọc. Nhưng chính quyền cần phải tính đến mức độ hiệu quả của chi phí mình bỏ ra: Liệu việc bồi đắp nhân tài này có giúp bổ xung cho Nhà nước những nhân tài thực sự hay không? Theo tôi biết, kết quả của hoạt động bồi đắp nhân tài này dường như không được như ý. Đa số được đi học, học xong không quay trở lại cơ quan cũ, mà bỏ ra ngoài làm cho tư nhân hoặc doanh nghiệp nước ngoài, hoặc ở lại nước ngoài làm việc. Một phần khác là các "nhân tài rởm", là những đồng chí con ông cháu cha, lợi dụng danh nghĩa nhà nước để du học miễn phí. Loại này, nếu có về làm cho nhà nước, cũng chỉ làm tình hình tồi đi mà thôi.

2/ Đãi ngộ nhân tài: Những địa bàn vùng sâu vùng xa thi nhau mang nhà cửa, lương cao ra lôi kéo thạc sĩ, tiến sĩ hay giáo sư về tỉnh mình làm việc. Vừa rồi nghe phong thanh có cơ chế trả lương đãi ngộ tới 1000-2000 USD/tháng cho các giáo sư đầu ngành. Vâng, trọng người tài, trả lương xứng đáng là một đổi mới tư duy đáng khuyến khích của Đảng ta (trước đây trí thức không bằng cục phân mà). Nhưng tôi e rằng cơ chế này không hiệu quả trong tình hình hiện nay.

Thứ nhất, lấy gì đảm bảo rằng những giáo sư nhận lương cao đó là người thực sự xứng đáng và lương cao đó sẽ kích thích nghiên cứu? Tôi cho rằng dựa trên bằng cấp và học vị không đủ để xác định ai tài ai không! Nếu quản lý không khéo (mà trình độ quản lý của chúng ta quả thực rất yếu kém), đây sẽ là cơ hội cho những kẻ thiếu năng lực với "bằng giả" luồn lách kiếm lợi.

Cho dù mức lương hấp dẫn như vậy, cũng có rất ít người chịu quay về địa phương làm việc. Một số thủ khoa sau khi ra trường được thành phố Hà Nội hay Hồ Chí Minh nhận với mức lương hấp dẫn (so với nhà nước), nhưng cũng chán nản bỏ đi vì... chẳng có việc gì làm. Chính sách đại ngộ có mà chưa có chính sách sử dụng, trả lương cao cũng phí đi!

3/ Kiểm soát đầu vào: Để tuyển chọn nhân tài, người ta đẻ ra hàng lô hàng lốc các quy định về trình độ "nhân tài" của Đảng và Nhà nước, nhưng chúng thường được áp dụng hết sức chiếu lệ. Việc thi cử tuyển chọn tưởng chừng chặt chẽ nhưng lại là cơ hội cho các đồng chí phòng Nhân Sự chấm mút. Quy định bằng cấp tưởng chừng nghiêm ngặt lại lại là nhân tố thúc đẩy chủ nghĩa bằng cấp và việc "học giả, bằng thật", hoặc "học giả, bằng giả". Cuối cùng, chính những người tài thực sự, những người không biết luồn lọt nịnh bợ, lại là nạn nhân của cơ chế kiểm soát đầu vào này.

Theo tôi, muốn thu hút và sử dụng người tài, trước hết chúng ta phải có một cơ chế cần người tài. Đó phải là một cơ chế chịu trách nhiệm, nơi năng lực cá nhân được thử thách thật sự nghiêm khắc: Làm được việc anh trụ lại, không làm được việc thì biến! Trong một môi trường như vậy, một anh nông dân không bằng cấp như bác thần đèn Cẩm Luỹ cũng có thể lên làm trưởng nhóm nghiên cứu, hoặc một ngôi sao điện ảnh như Reagan hay Schwarzenegger cũng có thể làm tổng thống hay thị trưởng. Muốn có một môi trường như vậy, chúng ta phải đặt được 2 điều: Minh bạch thông tin (transparency) và trách nhiệm chính trị (accountability). Thông tin minh bạch là điều kiện cần để người dân có thể đánh giá thành quả (hay hậu quả) của một tổ chức hay cá nhân, còn trách nhiệm chính trị là điều kiện đủ để người dân có thể chọn người tài (hay loại bỏ kẻ bất tài). Nếu chưa xây dựng được cơ chế này, các "sáng kiến" nói trên cũng chỉ là "đánh phèn sông Tô Lịch" mà thôi!

Tôi nên biết ơn Đảng hay không? Tùy các bác nhận định!

Tôi được sinh ra năm 1979, không biết mùi chiến tranh. Ba là một nông dân có tí ruộng phải vào hợp tác xã 1978, gạo phải đong từng bữa để nuôi thằng con thiếu sữa mẹ, vì mẹ chẳng đủ ăn, trong khi cá thì bị bệnh gì mà ghẻ lở ghê gớm, không ăn được.

Năm 5 tuổi, tôi chứng kiến cảnh tự thiêu của một bà mẹ liệt sĩ tại Ủy Ban Nhân Dân Xã trong lúc xếp hàng mua dầu lửa với má. Lý do bà mẹ liệt sĩ tự thiêu vì các cán bộ xã ăn chặn bớt mức dầu của bà ta nhiều lần. Lần này sau khi mua được chút dầu, bà ta rưới từ đầu xuống chân và bật lửa tự thiêu.

Năm 5 tuổi tôi vào lớp một, ngôi trường cấp một tốc mái, vách đất, không cửa. Mùa mưa thì lụt tới đầu gối, thầy trò cứ vô tư đứng dưới nước dạy và học. Nhiều khi ra về, thấy vài con đỉa bám vào bắp chân là thường. Cả trường chỉ có 3 giáo viên, 2 ông giáo già, và một cô giáo trung niên của chế độ cũ. Trường có bàn gỗ siêu vẹo, nhưng không có ghế. Cũng may là 3 giáo viên rất tận tâm dạy học, nên cũng không đến nỗi mất căn bản. Sáng đi học, chiều về đi bắt cá, mò cua, thật sung sướng; tập vở thì không có, nên tôi không phải làm bài nhiều.

Trong khoảng thời gian này, tôi nhớ nhất một năm 85, ôi chao sao mà nơi nơi cùng đói, đã thế mà khẩu phần gạo và dầu lửa lại bị các chú cán bộ Xã ăn chặn hết. Trong suốt năm này, gia đình tôi chỉ biết có mỗi muối mè và cá, rau thì chỉ có rau bầu đất. Mè & muối được rang khô, trộn muối bỏ vào ống ghi gô, ăn từ từ, còn cá thì do tôi bắt được mỗi chiều đi học về. Rau bầu đất là một loại cỏ lá nhỏ hình tròn, có lớp lông phủ nhẹ trên mặt, thường thì chẳng ai ăn, nhưng năm đó đói quá, thì mọi người tranh nhau ăn nó. Thú thật với các bác, cho đến thời gian này tôi chẳng biết miếng thịt nó ra sao.

Đã thế mà cứ mỗi chiều đi làm về, ba tôi lại phải đi học quái quỉ gì đó, nào là 10 điều tâm niệm, bành trướng bắc kinh, polpot Iêng xa ri ...v...v..

Năm 10 tuổi lên cấp hai, tôi phải đi học xa, cách nhà 10 cây số đường bộ, đi xuồng thì mất 2 tiếng đồng hồ. Mùa khô thì lội bộ, vì đường còn dễ đi, mùa mưa thi không lội bộ được, vì đường sáng thổi (sáng vét bùn đáy sông, thổi lên bờ) gồ ghề trơn trượt, không đi bộ được. Mùa mưa thì phải quá giang xuồng mới có thể đến trường.

Ngôi trường cấp 2 ở xã này chỉ khá hơn trường cấp một chút ít, là vách tường xây, nhưng cũng bị lủng những mảng to như cái thúng, có một số ghế. Thường thì 1/2 học sinh đứng, 1/2 ngồi. Đứa nào tới sớm thì có chỗ ngồi. Vì nhà ở xa, nên tôi thường phải đứng. Ngôi trường này cũng là tàn dư của chế độ cũ. Giáo viên cấp này có khác với giáo viên cấp một. Giáo viên ở đây trẻ hơn, mà đặc biệt là nói giọng bắc, một giọng thật lạ lùng với tôi lúc đó. Đặc biệt là cách nói chữ "l" thành "n", vui vô cùng.

Ở cấp 2 tôi chán nản vô cùng, vì học thì ít, mà chủ yếu là sinh hoạt đội. Cứ sau mỗi buổi học là phải sinh hoạt đội, hát hỏng vở vẩn, trong khi tôi chỉ mong được về để bắt cá, hái rau phụ ba má. Tôi vẫn còn nhớ những bài hát "Đại bàng con", "Kachiusa", v..v.... Thế là tôi hay trốn sinh hoạt, bị đuổi học vài lần, nhưng riết rồi hình như ban giám hiệu cũng chán hay sao đó, mà không quan tâm nữa. Thêm một điều nữa là lâu lâu lại còn có trò "lao động xã hội chủ nghĩa" & và thêm món tiền "xây dựng trường" nữa chứ, chán chết được, Cũng may cho tôi, ông giáo già cấp một ở chỗ tôi dạy kèm thêm toán, lý, hóa. Sau này tôi mới biết là ông ta từng là giáo sư trung học trước 1975. Vì không quen cảnh gian dối, nên ông về quê tôi ở.

Cấp 2 cứ thế trôi qua, học ở trường thì ít, mà học ở nhà thì nhiều, và tôi phải thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở. Tôi thi tốt nghiệp không được cao lắm. Năm đó thi 4 môn Văn, Toán, Sử, Địa. Ngoại trừ Toán và Địa được điểm cao, Văn và Sử thì tôi rất dốt. Tôi chưa từng được 7 điểm văn bao giờ.

Và rồi tôi phải nộp đơn thi chuyển cấp, tôi bắt đầu biết mùi "hành chính" ở nước ta từ đây.

Số là tôi do đi học sớm một năm, nên thiếu tuổi. Ba tôi phải làm đơn từ xã, huyện, và cuối cùng lên đến tỉnh xin xỏ tôi mới được phép thi chuyển lên cấp 3. Năm đó tôi khóc rất nhiều vì sợ rằng mình sẽ không được thi, cho đến khi trước khi thi khoảng 1 tuần, tôi nhận được giấy từ tỉnh cho biết là đã được phép thi. Sau khi thi xong, đến ngày dán bảng kết quả, tôi chẳng có tên trong danh sách, thật buồn, mà cũng chẳng biết mình bao nhiêu điểm. Vì thiếu tuổi, nên phải chờ... xét duyệt tiếp. Cho đến một hôm bác tôi nhắn từ tỉnh về cho biết, tôi đã có tên trong danh sách trúng tuyển vào cấp 3, lúc đó chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày khai giảng.

Ba má tôi gấp rút lo cho thằng con lên tỉnh học, gom góp được tí tiền may cho thằng con cái quần tây (cho đến lúc đó tôi chưa biết quần tây ra sao cả), và một cái áo sơ mi trắng theo yêu cầu đồng phục của trường.

Ngày tựu trường đã đến, tôi xênh xang trong bộ quần áo mới đến trường, tìm lớp học. Sau khi các thủ tục khai giảng như chào cờ, thư Hồ Chủ Tịch gởi cho học sinh, và các bài lê thê của ông Hiệu Trưởng, cô phó hiệu trưởng .v...v. chúng tôi được trở về lớp. Thầy chủ nhiệm điểm danh, ai được gọi tên thì bước vào lớp. Khi tên tôi được gọi, tôi nghênh ngang bước ra khỏi hàng, la "có mặt" thật to, chào thầy, vào chuẩn bị cất bước vào ngưỡng của trung học, thì đột nhiên, thầy quát lên thật to:

- Này, em bé, em là ai? đi đâu đấy?.

Tôi trả lời:

- Thưa thầy, em là "L.H.V*", em vô lớp này.

Thế mà thầy không tin, dắt tôi đến gặp ban giám hiệu, xác định nhân thân xong mới được vô lớp. Sau này thầy cho biết, vì tôi quá bé con (vừa suy dinh dưỡng, vừa thiếu tuổi), nên thầy nghi ngờ.

Trong suốt các năm trung học, chắc nhiều người cũng biết như thế nào. Tôi vì không có căn bản ngoại ngữ nên được cho học vào hệ Nga văn , trong khi tôi muốn học tiếng Anh, nhưng không được.

Trong suốt các năm học trung học, vì xa nhà, và đời sống ở tỉnh đắt đỏ, không như vùng quê. Mặc dù bác tôi cho ở nhờ, nhưng ăn uống vẫn phải tự lo & gia đình không chu cấp nổi. Đã thế còn màn đóng tiên "xây dựng trường" nữa chứ. Mỗi năm phải đóng tiền "xây dựng". Nhưng trong suốt 3 năm trung học, tôi chưa thấy trường tôi xây hay làm cái gì mới bao giờ. Ngay cả bàn ghế bị gãy, thì học sinh cũng tự mang gỗ, búa, đinh đến sửa. Mái tôn lủng, mưa dột nát, mà cũng có sửa cho đâu. Cứ mỗi lần mưa là thầy trò dúm dụm lại một góc với nhau.

Thế là tôi ra đời kiếm sống. Công việc đầu tiên là bán bánh ú, bánh ít, nước trà đá ở bên xe của tỉnh. Công việc này cũng khá lắm các bạn ạ, với chút ít trợ cấp của ba má cũng nuôi tôi đủ ba năm học ở trung học đấy. Tôi căm nhất là cứ thứ năm mỗi tuần, nhà trường bắt "lao động công ích XHCN", làm tôi mất sở hụi ngày đó. Ở các năm trung học, không trốn được các bác ạ. Họ đuổi thẳng tay, không chần chừ.

Em không biết các bác học trung học thế nào, chứ trường em thì các thầy cô rất thích dạy thêm. Đa số học sinh đều đi học thêm. Em vì nuôi mình còn chưa đủ, thì làm gì có tiền đi học thêm, nên chịu vậy. Cũng may là nhà bác em có sách toán, lý, hóa của chế độ cũ, nên em tự học ở đấy.

Cuối cùng thì cũng tốt nghiệp trung học, em không có mộng ước cao xa vào đại học, vì thực sự không có khả năng, nhưng cũng hy vọng vào tương lai, thế là em lên Sài Gòn học nghề, vừa học, vừa làm, và lần mò cuối cùng cũng có ngày hôm nay.

Còn các vấn đề bị hành vì giấy tờ, bị hành vì công quyền, làm khó dễ vì hộ khẩu, và chi phí đút lót cho các việc này, thì em nghĩ chắc các bác cũng từng trải qua, nên em không viết chi tiết làm gì ....

Đó là những gì em đã trải qua, có chút ít dính vào Đảng và Nhà Nước ... quyền thẩm định dành cho các bác, em có mang ơn Đảng và Nhà Nước hay không.