Tuesday, September 11, 2007

Tiến trình dân chủ hóa Việt Nam: Chặt cây hay vun xới thay đổi chất đất?

tqvn2004
Cách đây lâu lâu, tôi có viết trên "Túm tum tán dóc" rằng không chỉ người Việt trong nước mới cần thay đổi nhận thức, mà người Việt ở nước ngoài cũng cần có sự thay đổi. Như thế Việt Nam mới mong có cơ hội dân chủ hóa.

Tôi nhớ sau đó bác 7604 đã khởi động một thread dài về "Cờ Vàng và sự cởi mở của người Việt trong và ngoài nước", nhưng chủ đề cờ Vàng không phải là ẩn ý phía sau câu nói của tôi. Vì lúc đó tôi cũng bận nên chưa thể trả lời kỹ lưỡng được.

Vậy ý của tôi lúc đó là gì? Xin được lôi lại câu của bác Luke mà tôi thấy là rất quá chí lý và đã thuổng đưa lên Suy Ngẫm ở trang chủ để giải trình vấn đề này:

Sau một thời gian tham gia các diễn đàn trong nước và hải ngoại, em có một định nghĩa mới về Cộng Sản như sau:

Cộng Sản là thứ để các bác trút giận và đổ lỗi khi gặp bất cứ vấn đề gì không như ý trong xã hội: "tại xã hội Cộng Sản nó thế", "tại đám Cộng Sản lên cầm quyền nên mới thế", "nếu không có tụi Cộng Sản này thì tao đã thế này, thế kia rồi", "nếu không có Cộng Sản thì Việt Nam đã thế này thế kia rồi".

Nói tóm lại thì tất cả mọi tội lỗi đều đổ lên đầu Cộng Sản tất, còn dân Việt Nam thì thông minh tuyệt đỉnh, đoàn kết gắn bó với nhau chặt chẽ cực kỳ, không có Cộng Sản thì Việt Nam chắc cũng đứng nhất nhì thế giới chứ chẳng chơi!
Công bằng mà nói, không phải các bác hải ngoại nào cũng nghĩ Cộng Sản là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là nỗi bất hạnh của dân tộc Việt Nam, và chỉ cần giải phóng khỏi tai ách Cộng Sản là dân tộc Việt Nam sẽ vươn lên. Nhưng qua tiếp xúc, tôi phải thừa nhận rằng số này không nhiều. Và cũng có một số nhà đấu tranh dân chủ trong nước cũng chia sẻ suy nghĩ này của đa số ở hải ngoại, điển hình là nhóm 8406 hay Liên minh Dân chủ Nhân Quyền Việt Nam, thể hiện qua những bài viết gần đây của họ.

Cá nhân tôi cho rằng đó là quan niệm sai lầm. Chúng ta cần phải thấy rằng độc tài Đảng trị quả là một nỗi bất hạnh, nhưng xét cho cùng nó cũng chỉ là hệ quả của văn hóa dân tộc phong kiến, mà theo cụ Phan Bội Châu là "chỉ có gia nô mà không có quốc dân". Chúng ta hãy tưởng tượng Đảng CSVN là cái cây đâm chồi từ mảnh đất "văn hóa gia nô phong kiến" rất thuận lợi kia. Vậy chúng ta nên chọn giải pháp nào: Chặt cái cây độc, hay cải tạo đất sao cho những cây độc như thế không có khả năng tồn tại?


Hình 1: Chặt cây hay vun xới thay đổi chất đất?

Mục tiêu của phong trào dân chủ vì thế phải đặt cao hơn: Nâng cao dân trí, thay đổi tư tưởng, khuyến khích ý thức công dân; chứ không phải tìm mọi cách hạ gục Cộng sản.

Câu trả lời đã được cụ Phan Chu Trinh đưa ra cách đây gần 100 năm: "... người nước Nam chui núp dưới chính thể chuyên chế trên ngàn năm, chưa có tư cách quốc dân độc lập, dầu có nhờ cậy sức nước ngoài thì chỉ diễn cái trò "dịch chủ tái nô" không có ích gì". Quả đúng như thế, nếu chúng ta chưa có tư cách quốc dân, chặt cây độc này đi thì cũng chỉ mọc ra cây độc khác, chẳng ích lợi gì.

Mục tiêu của phong trào dân chủ vì thế phải đặt cao hơn: Nâng cao dân trí, thay đổi tư tưởng, khuyến khích ý thức công dân; chứ không phải tìm mọi cách hạ gục Cộng sản. Khi chúng ta có xã hội công dân với tri thức, nếp suy nghĩ độc lập và tư tưởng tự do - dân chủ, thì những độc tài và ý thức hệ Cộng sản sai lầm và cổ hủ sẽ tự động bị đào thải. Những công dân trong xã hội văn minh sẽ tự nhìn thấy quyền lợi của mình bị đe dọa, và đứng lên phản kháng sự chuyên quyền của bất cứ chế độ độc tài nào. Khi đã xác định mục tiêu rõ ràng như thế, chúng ta có một hệ quả quan trọng: phải thực hiện việc tuyên truyền xây dựng hình ảnh người công dân có đầy đủ trách nhiệm và trí tuệ để đảm đương một xã hội dân chủ tương lai.

Để làm được điều này, chung ta phải cân nhắc lại nội dung và phương thức tuyên truyền. Tự do - dân chủ phải được coi là "một món hàng cần bán", và chúng ta phải suy nghĩ xem "marketing" thế nào để có nhiều người mua nhất.

Nếu có thể vẽ đồ thị phân bổ tư tưởng của người Việt Nam trên một trục, từ Chống Cộng tới Cộng Sản, thì tôi tưởng tượng nó sẽ giống hình vẽ dưới đây. Người Việt hải ngoại phần nhiều sẽ nghiêng về phía có tư tưởng chống Cộng (cực đoan nhiều ít ra sao tôi không biết, nhưng ghét Cộng sản thì chắc chắn là rất đông ), và ngược lại người Việt trong nước sẽ phần nhiều có tư tưởng thân Cộng, bởi ảnh hưởng của giáo dục và thông tin đại chúng. Tuy nhiên, đa số không ngả hẳn về phía Cộng sản, thậm chí đang có chầm chậm dịch chuyển theo hướng ngược lại. Tôi tạm chia ra hai loại báo chí, báo chí trong nước lệch về phía Cộng sản, và báo chí ngoài nước lệch về phía chống Cộng.

Theo lý thuyết thì người ta chỉ đọc báo chí (hay mua hàng hóa) gần với quan điểm (hay sở thích) của mình nhất. Như thế, ô vuông mầu hồng sẽ thể hiện "vùng phủ sóng" của báo chí trong nước và ô vuông mầu xanh lá cây thể hiện "vùng phủ sóng" của báo chí hải ngoại.


Hình 2: Sơ đồ phân bố quan niệm và vị trí báo chí hiện tại

Có thể thấy rằng nếu chúng ta tiếp tục nói những vấn đề ở xa tâm "Trung Dung" thì lượng bạn đọc mà chúng ta phủ sóng được sẽ thấp hơn nhiều so với báo chí trong nước. Chúng ta có thể đổ lỗi cho bức tường lửa mà Đảng CSVN dựng lên, nhưng với trào lưu blog và diễn đàn đang nở rộ, thông tin đã dễ đến với bạn đọc hơn nhiều nhưng số người quan tâm tăng lên không đáng kể. Đó là do họ "dị ứng" (theo cách nói của các bác thân Cộng ) với nội dung mà báo chí hải ngoại cung cấp, họ thấy báo chí trong nước gần gũi với cuộc sống của mình hơn.

Thật vậy, trong khi báo chí hải ngoại chậm thay đổi với thời cuộc, báo chí trong nước (trừ những tờ bị kiểm soát chặt chẽ như Công An, Nhân Dân hay Tạp chí Cộng Sản ) đã tự dịch chuyển khá nhanh vào trung tâm, để đón bắt độc giả nhiều hơn. Đơn cử là VietnamNet, họ không còn suốt ngày đưa tin ủng hộ Đảng CSVN nữa, mà đã nhanh nhạy đăng những bài phê phán nhẹ nhàng của Nguyễn Trung hay Vũ Minh Khương, và gần đây còn mở trang bạn đọc tự viết. Đó là những tiến bộ mà báo chí hải ngoại chưa làm được, nếu không muốn nói là có những bước lùi như vụ biểu tình phản đối tờ Viet Weekly vừa qua.


Hình 3: Sơ đồ phân bố quan niệm và vị trí báo chí tương lai

Một BBC Việt Ngữ hay Talawas là một ví dụ đáng noi theo, và phải tránh càng xa càng tốt cách chống cộng cực đoan của Vietnam Exodus.

Để có thể cạnh tranh với báo chí trong nước và chiếm lĩnh "thị phần bạn đọc" lớn hơn, báo chí hải ngoại cần có những thay đổi chuyển dịch ra khỏi quỹ đạo cũ (như hình 3). Một BBC Việt Ngữ hay Talawas là một ví dụ đáng noi theo, và phải tránh càng xa càng tốt cách chống cộng cực đoan của Vietnam Exodus. Chửi bới Cộng Sản thối nát hay cụ Hồ "thong manh" chẳng làm sứt cái vẩy nào của Đảng CSVN, nhưng lại khiến phần đông dân chúng xa lánh những bài viết của phe "dân chủ". Vì thế, nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều, tìm hiểu rõ quan điểm và các vấn đề của người Việt trong nước để viết bài cho phù hợp là việc cần làm. Thế mạnh của báo chí hải ngoại là kinh nghiệm cuộc sống, tri thức khoa học kỹ thuật ở các quốc gia phát triển; nhưng dường như chúng ta chưa khai thác hết. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ phê phán Đảng CSVN dâng đất dâng biển, độc tài; còn quá ít những bài thực dụng về các nguyên tắc giáo dục, môi trường hay kinh tế. Cần biết rằng chúng ta có thể tác động gián tiếp tới hệ thống chính trị qua các đề tài thực dụng như thế.

Trên đây tôi lấy báo chí nói chung làm đối tượng phân tích. Nhưng những phân tích đó cũng đúng cho các bài viết trên diễn đàn hay blog, những trao đổi giữa cá nhân với cá nhân hay thông điệp của tổ chức dân chủ. Nói tóm lại là, cực đoan là điều cần phải tránh, nói phải chú ý tới đối tượng đang lắng nghe, và cuối cùng là bàn về chính trị không phải là cách duy nhất để thay đổi tư duy chính trị

No comments: